MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phi hành gia Apollo 17 Harrison Schmitt đã sử dụng một chiếc cào để thu thập đá Mặt trăng và đá vụn có kích thước từ 1,3 cm đến 2,5 cm. Ảnh: NASA

Đá Mặt trăng hé lộ tuổi thật vệ tinh tự nhiên của Trái đất

Anh Vũ LDO | 24/10/2023 12:32

Một loạt đá Mặt trăng được đưa về Trái đất vào năm 1972 bởi NASA, chứa những thông tin bất ngờ về tuổi thật của nó, “già” hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ.

Phân tích mới về Mặt trăng từ các mẫu đá do các phi hành gia Apollo 17 của NASA mang về cho thấy mặt trăng của chúng ta già hơn tới 40 triệu năm so với những kết luận trước đây, theo Space.com

Điều đó có nghĩa là vệ tinh tự nhiên của Trái đất đã 4,46 tỉ năm tuổi. Các nhà khoa học thực hiện phân tích này cho biết, tính toán độ tuổi Mặt trăng một cách chính xác hơn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử và sự tiến hóa của vệ tinh này cũng như Trái đất.

Đồng tác giả nghiên cứu Philipp Heck, giáo sư tại Đại học Chicago (Mỹ) cho biết, trong một tuyên bố: “Không có Mặt trăng, sự sống trên Trái đất sẽ khác đi. Đó là một phần của hệ thống tự nhiên mà chúng tôi muốn hiểu rõ hơn và nghiên cứu của chúng tôi cung cấp một mảnh ghép nhỏ trong toàn bộ bức tranh đó”.

Một lý thuyết phổ biến, được gọi là giả thuyết về vụ va chạm khổng lồ, thừa nhận mặt trăng được hình thành từ vật chất phóng ra trong một vụ va chạm giữa một vật thể có kích thước bằng sao Hỏa và Trái đất trong quá khứ.

Những vật chất đó bị giới hạn bởi trọng lực của chính nó, được cho là đã tạo ra Mặt trăng mà chúng ta thấy ngày nay. Tuy nhiên, chính xác thì vụ va chạm này xảy ra khi nào và Mặt trăng hình thành trong bao lâu vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ cho đến nay.

Để đi đến kết luận của mình, các nhà khoa học đã nghiên cứu các đốm của một loại khoáng chất gọi là “zircon”, có trong các mẫu đá mặt trăng được đưa đến Trái đất vào năm 1972 bởi sứ mệnh cuối cùng của Apollo.

Các nhà khoa học tin rằng, tinh thể zircon là chất rắn đầu tiên kết tinh sau khi hình thành mặt trăng. Vì vậy, chúng có thể thể hiện những dấu hiệu nhận biết về tuổi của mặt trăng.

Ông Heck cho biết: “Bởi vì chúng tôi biết những tinh thể này bao nhiêu tuổi nên chúng đóng vai trò là mỏ neo cho niên đại của Mặt trăng”.

Để xác định tuổi của mẫu, các nhà nghiên cứu đã xác định và lập bản đồ các nguyên tử riêng lẻ trong một mẫu đá Mặt trăng. Đầu tiên, họ "làm sắc nét nó" bằng cách sử dụng chùm tia điện tử tập trung.

Sau đó, nhóm của tác giả chính của nghiên cứu Jennika Greer, cộng tác viên nghiên cứu tại Đại học Glasgow ở Anh, sử dụng tia laser để làm bay hơi các nguyên tử từ đầu mẫu được mài sắc và đo tốc độ của các nguyên tử đó.

Bà Greer nói thêm: “Tốc độ di chuyển của chúng cho chúng ta biết chúng nặng bao nhiêu, từ đó cho chúng ta biết chúng được làm từ gì”.

Theo nghiên cứu này, các nhà khoa học đã đo lượng nguyên tử uranium và chì trong mẫu đá Mặt trăng, và với kiến thức trước đây về tốc độ phân rã của các nguyên tử, họ đã xác định được độ tuổi 4,46 tỉ năm của mẫu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn