MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đặc ân của những người tự chữa khỏi HIV

Thanh Hà LDO | 17/11/2021 15:27

Một phụ nữ ở Argentina đã trở thành bệnh nhân HIV thứ hai được ghi nhận có hệ thống miễn dịch tự chữa khỏi HIV. 

Sự kỳ diệu của hệ thống miễn dịch

Các nhà nghiên cứu gọi người mẹ 30 tuổi, được chẩn đoán nhiễm HIV từ năm 2013, là “bệnh nhân Esperanza”, theo tên đô thị mà người phụ nữ này sinh sống. Trong tiếng Anh, “esperanza” có nghĩa là “hy vọng”.

“Tôi tận hưởng sự khỏe mạnh. Tôi có một gia đình khỏe mạnh. Tôi không phải dùng thuốc và sống như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Đây đã là một đặc ân" - bệnh nhân Esperanza chia sẻ với NBC News. 

Nghiên cứu về bệnh nhân HIV thứ hai tự khỏi bệnh mà không cần điều trị y tế được công bố đầu tuần này trên tạp chí Annals of Internal Medicine. Các nhà nghiên cứu tin rằng, phát hiện của họ thực sự sẽ mang lại hy vọng cho ước tính khoảng 38 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với virus và cho lĩnh vực nghiên cứu chữa khỏi HIV.

Bệnh nhân Esperanza là bằng chứng thứ 2 về chữa khỏi hoàn toàn virus thông qua khả năng miễn dịch tự nhiên. “Đây thực sự là điều kỳ diệu của hệ thống miễn dịch của con người" -Tiến sĩ Xu Yu, nhà nghiên cứu miễn dịch virus tại Viện Ragon ở Boston, Mỹ, nói. 

Tiến sĩ Xu Yu là người hợp tác với Tiến sĩ Natalia Laufer tại Viện INBIRS ở Buenos Aries, Argentina, trong cuộc tìm kiếm virus HIV trong cơ thể bệnh nhân Esperanza.

Sau khi bệnh nhân Esperanza bắt đầu hợp tác với nhóm của Xu Yu năm 2019, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm bất kỳ mảnh virus HIV nào còn tồn tại trong 1,2 tỉ tế bào máu của bệnh nhân. Các nhà khoa học cũng tìm kiếm trong 500 triệu tế bào mô nhau thai sau khi bệnh nhân Esperanza sinh con tháng 3.2020. Con của bệnh nhân này âm tính với HIV. 

Tiến sĩ Steven Deeks, nhà nghiên cứu chữa HIV nổi tiếng tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, chia sẻ: “Bây giờ chúng ta phải tìm ra cơ chế. Việc chữa khỏi xảy ra như thế nào và chúng ta có thể tóm lại phương pháp trị liệu này cho mọi người như thế nào?". 

Các nhà khoa học trên thế giới theo đuổi mục tiêu chữa khỏi HIV qua nhiều phương pháp khác nhau. Đến nay, có 2 bệnh nhân HIV được chữa khỏi, đều thông qua phương pháp cấy ghép tế bao gốc phức tạp và nguy hiểm. Hai bệnh nhân được chữa khỏi HIV là Timothy Ray Brown người Mỹ và Adam Castillejo, người Anh. Họ được cấy ghép tế bào gốc từ những người hiến tặng có bất thường di truyền hiếm gặp khiến tế bào miễn dịch có khả năng kháng lại HIV.

Điểm chung của những người tự khỏi HIV

Tiến sĩ Xu Yu cũng là tác giả chính của nghiên cứu trên tạp chí Nature vào tháng 8.2020, phân tích 64 người, giống như bệnh nhân Argentina, được gọi là "elite controller" (tạm dịch: Những người kiểm soát tinh anh). Ước tính 1 trong số 200 người nhiễm HIV có hệ thống miễn dịch có thể ngăn chặn sự nhân lên của virus xuống mức rất thấp mà không cần dùng thuốc kháng virus. 

Các tác giả của nghiên cứu này phát hiện ra hệ thống miễn dịch của những "elite controller" dường như ưu tiên tiêu diệt các tế bào chứa HIV có khả năng tạo ra các bản sao mới có thể sống được của virus. Phần còn lại chỉ là những tế bào bị nhiễm mã di truyền của virus được ghép vào vùng DNA tế bào quá xa với những đòn bẩy thúc đẩy sự nhân lên của virus. 

Một bệnh nhân HIV trong nhóm này là Loreen Willenberg, 67 tuổi, người California, Mỹ, được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1992. Loreen Willenberg có hệ thống miễn dịch dường như đã đánh bại hoàn toàn virus. Ngay cả sau khi giải trình tự hàng tỉ tế bào của Loreen Willenberg, các nhà khoa học không thể tìm thấy bất kỳ chuỗi virus nguyên vẹn nào.

Tiến sĩ Xu Yu cho rằng, trường hợp chữa khỏi tự nhiên của Loreen Willenberg khá giống với trường hợp của bệnh nhân Esperanza. Nhà virus học đưa ra giả thuyết rằng, mỗi người có thể đã tạo ra một phản ứng tế bào T tiêu diệt đặc biệt hiệu nghiệm với virus. 

Rowena Johnston, giám đốc nghiên cứu của amfAR: The Foundation for AIDS Research, cho biết: “Tôi rất muốn tìm hiểu thêm về hiện tượng kiểm soát ưu tú dường như mới mẻ này. Thực sự có rất nhiều điều cần biết".

Nói về bệnh nhân Esperanza, Tiến sĩ Xu Yu nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không bao giờ chắc chắn 100% rằng hoàn toàn không có virus nguyên vẹn, không có virus chức năng nào trong cơ thể cô ấy. Mang những gì chúng tôi học được từ những bệnh nhân này đến với nhiều bệnh nhân hơn là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn