MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phân tích cho thấy các phần tử tham gia bạo loạn Capitol có lịch sử gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: AFP.

Đặc điểm chung của những phần tử bạo loạn Capitol đã bị bắt giữ

Hải Anh LDO | 11/02/2021 08:54

Phá sản, gặp vấn đề về thuế và nợ xấu... là đặc điểm chung mà phần lớn các phần tử bạo loạn Điện Capitol đã bị bắt giữ gặp phải.

Gần 60% cá nhân đối mặt với các cáo buộc liên quan đến bạo loạn ở Điện Capitol có dấu hiệu gặp rắc rối về vấn đề tiền bạc, trong đó có phá sản, thông báo thu hồi tài sản, nợ xấu, thuế chưa đóng trong hơn 2 thập kỷ qua, theo phân tích của Washington Post về hồ sơ công khai của 125 bị cáo liên qua tới vụ bạo loạn ngày 6.1 ở tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Phân tích chỉ ra, tỉ lệ phá sản của nhóm này là 18%, cao gần gấp đôi so với tỉ lệ phá sản của công chúng Mỹ. Một phần tư trong số những người bị bắt vì bạo loạn Điện Capitol trong khảo sát của tờ báo Mỹ bị 1 chủ nợ kiện vì nợ tiền và 1/5 trong số này đã có lúc phải đối mặt với việc mất nhà.

Theo tờ báo Mỹ, những vấn đề tài chính đang hé lộ cung cấp manh mối tiềm năng về việc tại sao nhiều người biểu tình, có nhiều người có công việc chuyên môn, ít tiền sử phạm tội bạo lực, sẵn sàng tham gia vào vụ bạo loạn.

Mặc dù không có yếu tố duy nhất nào giải thích cho quyết định tham gia vụ bạo loạn nhưng Cynthia Miller-Idriss, giáo sư khoa học chính trị, người giúp điều hành Phòng thí nghiệm đổi mới nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan và phân cực tại American University cho biết: “Tôi nghĩ những gì các bạn đang thấy không chỉ là sự bất an về kinh tế mà còn là cảm giác bấp bênh sâu sắc về tình hình cá nhân của họ. Và sự bấp bênh đó, kết hợp với cảm giác bị phản bội hoặc tức giận rằng ai đó đang lấy đi thứ gì đó, đã huy động rất nhiều người trong ngày hôm đó".

Những vấn đề về tài chính mà các bị cáo tham gia vụ bạo loạn Điện Capitol gặp phải có nhiều mức độ khác nhau, từ khoản nợ nhỏ vài nghìn USD hơn 1 thập kỷ trước cho tới các hóa đơn thuế 400.000 USD chưa thanh toán, những ngôi nhà trước nguy cơ bị tịch thu trong vài năm gần đây. Một số người đang trên đà kiểm soát được tình hình tài chính trong khi nhiều người bên bờ vực.

Trong cuộc tấn công Điện Capitol, các chủ doanh nghiệp và công nhân cổ cồn trắng chiếm 40% số người bị cáo buộc tham gia, theo một nghiên cứu của Dự án Chicago về an ninh và các mối đe dọa tại Đại học Chicago. Chỉ có 9% dường như thất nghiệp.

Jenna Ryan, nhà môi giới bất động sản 50 tuổi bị cáo buộc đã xâm nhập Điện Capitol qua các cửa kính vỡ, rung các chuông báo động an ninh và hét lên: “Hãy chiến đấu vì tự do! Đấu tranh cho tự do!". Ryan đã đi máy bay riêng từ Texas tới Washington tham gia vụ bạo loạn. Dù có dấu hiệu thành đạt nhưng theo Washington Post, Ryan vật lộn với vấn đề về tài chính trong nhiều năm. Khi bị bắt, bà đang trả 37.000 USD tiền thế chấp cho các khoản thuế liên bang chưa thanh toán. Ryan cũng suýt mất nhà vì trước đó. Bà đã nộp đơn phá sản vào năm 2012 và phải đối mặt với một khoản nợ thuế liên bang khác vào năm 2010.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn