MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sao Hỏa có thể giấu đại dương cổ bên dưới lớp vỏ, nghiên cứu mới cho biết. Ảnh: NASA.

Đại dương cổ có thể ẩn sâu dưới bề mặt sao Hỏa

Hải Anh LDO | 17/03/2021 12:00
Nghiên cứu mới về sao Hỏa cho thấy có lượng nước lớn bị ẩn giấu bên dưới bề mặt của hành tinh đỏ.

Điều gì xảy ra với toàn bộ nước trên sao Hỏa là câu hỏi mà các nhà khoa học tìm lời giải trong nhiều thập kỷ. Sao Hỏa vốn được coi là hành tinh ẩm ướt trong nhiều thiên niên kỷ trước đây. Dấu hiệu của nước có thể được tìm thấy đã đóng băng trong các chỏm băng ở các cực trên sao Hỏa.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra rằng, có một lượng nước đáng kinh ngạc bên trong sao Hỏa. Phát hiện này, theo Cnet.com, có thể có tác động lớn đến việc phát triển kế hoạch tìm kiếm nước cho sự hiện diện của con người trong tương lai trên hành tinh đỏ.

Trước đây, có những giả định rằng bầu khí quyển cổ đại của sao Hỏa dần dần bị hút ra ngoài không gian khiến phần lớn nước trên bề mặt sao Hỏa cũng bị cuốn theo. Nhưng một nghiên cứu mới do NASA hậu thuẫn cho thấy, một phần đáng kể nước trên sao Hỏa vẫn còn trên hành tinh này nhưng bị giấu bên dưới lớp vỏ của sao Hỏa.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Viện Công nghệ California (Caltech) Eva Scheller nhấn mạnh, thoát theo khí quyển không giải thích đầy đủ dữ liệu mà các nhà khoa học cần về lượng nước thực sự đã từng tồn tại trên sao Hỏa. Scheller là tác giả chính của nghiên cứu được công bố ngày 16.3 trên tạp chí Science.

Scheller và các cộng sự đã xem xét các mô hình định lượng lượng nước trên sao Hỏa theo thời gian ở các dạng khác nhau cũng như dữ liệu hiện tại về thành phần hóa học của khí quyển và vỏ sao Hỏa. Họ phát hiện ra rằng, giả định nước thoát theo khí quyển không thể giải thích hoàn toàn các điều kiện được quan sát thấy hiện nay ở trên bề mặt và bên dưới bề mặt sao Hỏa.

Quang cảnh ở bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA

“Thoát theo khí quyển rõ ràng có vai trò trong việc mất nước, nhưng những phát hiện từ các sứ mệnh sao Hỏa trong thập kỷ trước đã chỉ ra rằng, có một hồ chứa khổng lồ các khoáng chất hydrat hóa cổ đại. Sự hình thành của các khoáng chất này chắc chắn làm giảm lượng nước sẵn có dần dần" - Bethany Ehlmann, giáo sư khoa học hành tinh của Caltech, cho biết.

Khi nước và đá tương tác, một quá trình phong hóa hóa học có thể xảy ra dẫn đến hình thành các vật liệu như đất sét có chứa nước trong cấu trúc khoáng chất của chúng. Quá trình này xảy ra trên trái đất nhưng chu kỳ địa chất cuối cùng sẽ đưa hơi ẩm bị mắc kẹt trong đá trở lại bầu khí quyển thông qua núi lửa. Tuy nhiên, trên sao Hỏa dường như không có bất kỳ hoạt động núi lửa nào khiến toàn bộ lượng nước bị mắc kẹt bên dưới lớp vỏ hành tinh đỏ.

“Tất cả nước đó đã bị cô lập từ khá sớm sau đó không bao giờ quay ngược trở lại” - ông Scheller nói.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, 4 tỉ năm trước, sao Hỏa có đủ nước để bao phủ toàn bộ hành tinh bằng một đại dương sâu từ 100 đến 1.500m và từ 30% đến 99% lượng nước đó hiện bị giữ lại trong các khoáng chất trong lớp vỏ.

Các nhà khoa học Scheller và Ehlmann sẽ hỗ trợ nhóm thám hiểm sao Hỏa Perseverance 2020 của NASA trong việc thu thập các mẫu đá từ sao để đưa về trái đất nghiên cứu và xác nhận lý thuyết này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn