MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương toàn cầu từ năm 1981. Ảnh: Washington Post

Đại dương toàn cầu đang nóng kỷ lục, dự báo đáng ngại cho năm 2024

Thanh Hà LDO | 21/03/2024 17:26

Đợt nóng lên chưa từng có của các đại dương trên Trái đất đang bước sang năm thứ 2.

Gavin Schmidt - Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA - chia sẻ với Washington Post, những diễn biến thời tiết này có thể là tín hiệu cho thấy việc hành tinh nóng lên đang làm thay đổi căn bản cách vận hành của hệ thống khí hậu sớm hơn nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học.

Đại dương nóng lên đã ảnh hưởng ra ngoài những khu vực vốn chịu ảnh hưởng của El Nino ở Thái Bình Dương. Ví dụ, tại phần lớn lưu vực Đại Tây Dương, nhiệt độ bề mặt đại dương tăng từ 1 đến 2 độ C so với mức cơ bản giai đoạn 1971-2000.

Theo dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ cao bất thường từ 3 độ C trở lên được ghi nhận ở một số vùng biển ngoài khơi Nam Phi, Nhật Bản và Hà Lan.

Sóng nhiệt đại dương cũng trùng với tình hình thời tiết nóng nhất từng được ghi nhận trong khí quyển. Năm ngoái, nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu đã tăng cao hơn mức mà con người từng ghi nhận, khiến Trái đất nóng nhất trong vòng 100.000 năm qua. Các nhà khoa học dự đoán, năm 2024 có thể còn nóng hơn nữa.

Celeste Saulo - Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới - cho biết, việc các đại dương trên Trái đất nóng lên đáng kể là dấu hiệu đáng báo động bởi để nước nóng lên cần nhiều năng lượng hơn so với làm không khí nóng lên.

Trong báo cáo Trạng thái Khí hậu thường niên công bố ngày 20.3, Tổ chức Khí tượng Thế giới lưu ý, nhiều chỉ số khí hậu năm ngoái đã vượt ra ngoài các bảng xếp hạng.

Đó là sông băng tan chảy chưa từng có, mất băng biển ở Nam Cực, mực nước biển dâng cao khi sóng nhiệt đại dương lan rộng trên hơn 90% bề mặt đại dương trong một thời điểm của năm 2023.

Đợt nóng lên đặc biệt nhất xảy ra ở phía đông bắc Đại Tây Dương, Vịnh Mexico và Caribbean, phía bắc Thái Bình Dương và các khu vực rộng lớn ở Nam Đại Dương.

Kể từ tháng 4.2023, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đã đạt kỷ lục của từng tháng, với các kỷ lục vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9 có mức chênh lệch đặc biệt lớn.

Nhiệt độ đại dương tăng cao vào mùa xuân năm ngoái - thời điểm cuối trong 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của La Nina - mô hình thời tiết trái ngược với El Nino và có tác dụng ngăn nóng lên toàn cầu.

Boyin Huang - nhà hải dương học của NOAA tập trung vào phân tích nhiệt độ đại dương - chỉ ra, việc chuyển từ La Nina sang El Nino có thể giải thích phần nào cho việc nhiệt độ đại dương tăng lên trong năm qua. Do đó, có khả năng nhiệt độ đại dương sẽ trở nên ôn hòa vào cuối năm nay khi La Nina quay trở lại.

Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem việc chuyển từ El Nino sang La Nina có đủ để chống lại nóng lên toàn cầu hay không.

Nếu nhiệt độ đại dương tiếp tục lập kỷ lục, điều này có thể thấy rõ ràng vào cuối mùa hè.

Nếu nhiệt độ kỷ lục tồn tại ngay cả khi La Nina, “thế giới sẽ ở trong vùng lãnh thổ chưa được khám phá” về khí hậu, với nhiều điều không chắc chắn về khí hậu trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn