MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đeo khẩu trang ở Rome, Italia. Ảnh: Anadolu.

Đại học ở Mỹ đưa ra nghiên cứu mới về thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2

Thanh Hà LDO | 10/03/2020 21:36
Hầu hết những người mắc COVID-19 - dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, bắt đầu phát các triệu chứng khoảng 5 ngày sau khi nhiễm virus.

Các nhà phân tích dịch bệnh tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ nêu thông tin này trong nghiên cứu lớn nhất ở dạng này về các ca nhiễm virus được biết đến trên toàn thế giới, theo Wall Street Journal.

Kết quả nghiên cứu làm rõ các ước tính về thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 trước khi các dấu hiệu sốt, ho và suy hô hấp xuất hiện. Kết quả này cung cấp sự hỗ trợ cho các biện pháp kiểm soát sức khỏe cộng đồng hiện tại vốn khuyến nghị theo dõi và cách ly 14 ngày với những người bị phơi nhiễm virus.

Một số cơ quan y tế nhà nước đang khuyến nghị người dân tự cách ly một khoảng thời gian sau khi trở về nhà từ bất cứ chuyến đi nước ngoài trở về. "Chúng tôi có nhiều lòng tin rằng giai đoạn ủ bệnh là khoảng 5 ngày. Một số người sẽ có giai đoạn ủ bệnh thực sự ngắn và một số người sẽ có giai đoạn ủ bệnh thực sự dài. Mục tiêu là tìm ra nhiều ca đã bị nhiễm và phát triệu chứng nhất trước thời hạn này" - Justin Lessler -  nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, trưởng nhóm phân tích diễn tiến bệnh bệnh trong 181 ca - chia sẻ.

Các nhà nghiên cứu khác vốn nghiên cứu số lượng ca nhỏ hơn nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins ước tính rằng, bệnh nhân mắc COVID-19 có thời gian ủ bệnh ngắn nhất là 2 ngày và dài nhất là 14 ngày, với một số ca có thể có thời gian ủ bệnh lên tới 27 ngày.

Nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins công bố tuần này trên tạp chí y khoa học thuật Annals of Internal Medicine cho hay, theo tính toán của các nhà khoa học, giai đoạn ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 trung bình là 5,1 ngày.

Khoảng 97,5% trong tổng số bệnh nhân được nghiên cứu phát triệu chứng trong vòng 11,5 ngày kể từ khi phơi nhiễm, các nhà khoa học thông tin thêm.

Do đó, các nhà khoa học lưu ý rằng, ở phương diện xác suất thống kê, giai đoạn theo dõi và cách ly 14 ngày dường như có thể dẫn tới không phát hiện được một số ca. Theo tính toán của họ, cứ mỗi 10.000 người cách ly 14 ngày, có khoảng 100 người xuất hiện triệu chứng sau khi đã hết cách ly.

Theo Wall Street Journal, các nhà nghiên cứu của Johns Hopkins tập trung vào các trường hợp được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận từ ngày 4.1 đến 24.2 ngoài tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Tựu trung lại, các nhà nghiên cứu phân tích 181 báo cáo trên các phương tiện truyền thông và các thông báo sức khỏe cộng đồng, trong đó có ngày mà bệnh nhân phơi nhiễm và những triệu chứng đầu tiên.

Tất cả các bệnh nhân liên quan từng đi tới Hồ Bắc hoặc thành phố Vũ Hán. Qua đó, các nhà khoa học có thể sử dụng lộ trình di chuyển của họ để ước tính thời gian phơi nhiễm đầu tiên, bác sĩ Lessler nói.

Wall Street Journal cho hay, nhìn chung việc các nhà nghiên cứu ước tính thời gian ủ bệnh trung bình là 5,1 ngày với virus SARS-CoV-2 là phù hợp với những thông tin đã biết về 2 chủng virus Corona có liên quan là SARS-CoV và MERS-CoV - vốn gây dịch bệnh lây nhiễm trong những năm gần đây. Các loại virus Corona khác gây cảm lạnh thông thường có thời gian ủ bệnh khoảng 3 ngày, các nhà khoa học cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn