MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong lễ ký Bản thoả thuận giữ bí mật (NDA) giữa Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ với Công ty Nanogen của Việt Nam để chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vaccine Nanocovax, ngày 9.8.2021. Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ

Đại sứ Phạm Sanh Châu: "Tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi lô thuốc đầu tiên về Việt Nam"

Ngọc Vân LDO | 13/08/2021 08:51

Những nỗ lực không mệt mỏi của Đại sứ Phạm Sanh Châu và các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã được đền đáp khi lô thuốc Redemsivir đầu tiên từ Ấn Độ đã về Việt Nam và thoả thuận đầu tiên giữa công ty Ấn Độ và Việt Nam đã được ký kết để hợp tác sản xuất vaccine COVID-19 của Việt Nam tại Ấn Độ.

Vaccine "Made in Vietnam" sẽ được sản xuất hàng loạt tại Ấn Độ một ngày không xa

Ngày 9.8, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, ông Yogendra Vekaria - Giám đốc điều hành Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ cùng với ông Hồ Nhân - Tổng Giám đốc Công ty Nanogen của Việt Nam đã ký Bản Thỏa thuận giữ Bí mật (Non-Disclosure Agreement, NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vaccine Nanocovax. Việc ký thỏa thuận NDA sẽ là cơ sở để hai bên tiến tới thảo luận sâu hơn về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến sản xuất, phân phối vaccine Nanocovax quy mô lớn khi các cơ quan chức năng cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Chứng kiến lễ ký kết có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, các cán bộ của Đại sứ quán cùng một số nghị sĩ Quốc hội, lãnh đạo ngành Y tế và chủ tịch các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực y tế, vaccine, dược phẩm của Ấn Độ như Bharat Biotech (công ty sản xuất vaccine Covaxin), Granule… Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, ông đang chờ đón ngày vaccine Nanocovax do Việt Nam bào chế được thử nghiệm giai đoạn 3 thành công và đưa vào sản xuất hàng loạt tại Ấn Độ.

Vaccine Nanocovax được Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5.2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Vaccine đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18.12.2020, giai đoạn 2 từ ngày 26.2.2021 và giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11.6.2021.

Ngày 7.8, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y Sinh học của Bộ Y tế Việt Nam đã họp đánh giá giữa kỳ, thẩm định kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine Nanocovax. Ở giai đoạn 2, vaccine Nanocovax được đánh giá là an toàn và có khả năng sinh miễn dịch khá tốt, nhất là một số kết quả nghiên cứu so sánh đối chiếu. Đến nay, hơn 8.300 tình nguyện viên giai đoạn 3b đã được tiêm mũi 2. Dự kiến, hơn 12.000 tình nguyện viên giai đoạn 3b sẽ hoàn tất 2 mũi tiêm trước ngày 15.8. Công ty Nanogen đã nộp đơn đề nghị cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nanocovax và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất theo thẩm quyền, bảo đảm quy trình chặt chẽ, an toàn, cắt giảm thủ tục hành chính. Đại sứ Phạm Sanh Châu tin tưởng rằng, một ngày không xa, vaccine "Made in Vietnam" sẽ được sản xuất hàng loạt ở Ấn Độ, để "nhân lên niềm tự hào của Việt Nam, đồng thời kịp chở thuốc về Việt Nam cứu sống người bệnh".

Một ngày bận rộn của Đại sứ thời dịch bệnh

Đại sứ Phạm Sanh Châu từng nói, ông không bao giờ có thể ngờ được rằng, thước đo thành công nhiệm kỳ của một đại sứ không phải số lượng trao đổi các đoàn cấp cao và kim ngạch thương mại giữa hai nước hay dòng đầu tư vào Việt Nam, mà sự thành công là ở việc đảm bảo không mạng sống nào bị tước đoạt. Nếu như trong đợt dịch năm 2020, Đại sứ đôn đáo thực hiện các chiến dịch mang tên các loài hoa như "Chiến dịch Hoa Kim Tước" (tên một cuốn sách của Đại sứ Phạm Sanh Châu) để đưa công dân Việt Nam về nước, thì trong năm 2021 lại là những nỗ lực tìm nguồn thuốc và vaccine COVID-19 để đưa về Việt Nam.

Có những ngày từ sáng sớm đến đêm khuya, Đại sứ Phạm Sanh Châu di chuyển như con thoi để gặp các đối tác. Sáng sớm 26.7, ông lên đường tới Hyderabad, thủ phủ công nghiệp phía nam Ấn Độ. Tại đây, Đại sứ làm việc với công ty Bharat Biotech - đơn vị sản xuất vaccine COVID-19 Covaxin của Ấn Độ; gặp công ty Dr.Reddy - công ty đã kết hợp với đối tác Nga sản xuất 250 triệu liều vaccine Sputnik V. Tiếp đó, Đại sứ làm việc với Tổng lãnh sự quán Anh tại Hyderabad và được giới thiệu công ty dược Pharmexcil. Đại sứ dự tiệc với công ty Granules India - công ty hiện diện tại 75 quốc gia và chủ yếu sản xuất các loại thuốc kháng sinh. Đại sứ gặp công ty Laxai Pharma, công ty có hơn 250 nhà khoa học nghiên cứu về chế tạo thuốc; gặp công ty Biological E - công ty được thành lập năm 1953, nghiên cứu về biệt dược, vaccine và sinh phẩm.

Cũng trong ngày, Đại sứ quán tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư thành lập Công viên Dược phẩm nhằm thu hút doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam. Sau đó Đại sứ làm việc với ClinSync, đơn vị chuyên nghiên cứu dược phẩm. Qua đây, ông đã kết nối ClinSync với công ty Nanogen để hợp tác thử nghiệm vaccine Nanocovax của Việt Nam.

1 triệu liều thuốc Redemsivir cho Việt Nam

Thành quả của quá trình vận động của Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng anh em Đại sứ quán là các doanh nghiệp Ấn Độ cam kết cung cấp 1 triệu liều thuốc Remdesivir cho Việt Nam. Lô hàng đầu tiên đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất ngày 5.8, số lượng còn lại sẽ được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 8 này. Đây là thuốc kháng virus đang được trên 50 nước dùng cho bệnh nhân COVID-19, có khả năng rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân diễn tiến nặng.

"Tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc khi lô thuốc đầu tiên về Việt Nam" - Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ. "Tháng 10.2020, 38 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã bị COVID-19, trong đó có một người bị rất nặng và phải nhập viện. Vào thời khắc gay go nhất, chúng tôi được biết Remdesevir có thể cứu được bệnh nhân nặng nên đã tiếp cận lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng Ấn Độ để xin sử dụng Remdesevir" - Đại sứ Phạm Sanh Châu kể về quá trình gian nan vận động xin thuốc.

Khó khăn là bởi Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, với 40.000-50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và tỉ lệ tử vong còn cao. Mặt khác, không có doanh nghiệp Ấn Độ nào có sẵn để chuyển cho Việt Nam, đại đa số đang thực hiện cam kết gửi thuốc cho một số nước ở khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan - những nước đã đặt mặt hàng này từ lâu. Khó khăn tiếp theo là phải làm việc với các cơ quan chức năng Ấn Độ như Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Dược và Bộ Thương mại để được phép xuất khẩu, vì đây là thuốc đặc trị và Ấn Độ vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đại sứ quán đã triển khai vận động các bộ ngành Ấn Độ và giải thích tình hình cấp bách ở Việt Nam, mong bạn thông cảm hỗ trợ và cho phép xuất khẩu về Việt Nam. Thấy ta cam kết, quyết tâm, nhiệt tình, nên các công ty Ấn Độ đã điều chỉnh lịch sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Việt Nam. "Tôi nghĩ rằng chừng nào có mặt hàng để mua và được phép xuất khẩu thì đó đã là thành công" - Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.

Tới đây, "Nhóm phản ứng nhanh" do Đại sứ quán thành lập, gồm đại diện của Thương vụ, Phòng Chính trị, Phòng Khoa học Công nghệ và một số cán bộ chủ chốt sẽ tiếp tục chia nhau tìm nguồn thuốc và vận động cơ quan chức năng của Ấn Độ, triển khai nhiều mũi để kết nối, vận động vaccine cho Việt Nam, đặc biệt là vận động bạn cho phép xuất khẩu 15 triệu liều vaccine Covaxin của Ấn Độ cho Việt Nam.

Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ tâm nguyện: "Chúng tôi cầu mong đất nước vượt qua đại dịch, sẵn sàng trực 24/24, với mục tiêu ưu tiên là giúp quê hương cứu từng mạng sống".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn