MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xả lũ đập Tam Hiệp tháng 7.2020. Nguồn: Reuters.

Đập Tam Hiệp: Chi phí khủng vượt xa hiệu quả kiểm soát lũ lụt

Thanh Hà LDO | 01/08/2020 19:21
Đập Tam Hiệp được thiết kế để chế ngự dòng sông dài nhất của Trung Quốc. Nhưng những cơn mưa lớn kỷ lục hè năm nay cho thấy những hạn chế của con đập trong kiểm soát lũ trên sông Dương Tử. 

Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử ở Trung Quốc là một công trình chấn động, theo cây viết Nectar Gan của CNN. Trước tiên, đây là một trong số ít các công trình nhân tạo trên trái đất có thể quan sát bằng mắt thường từ không gian, theo NASA.

Hoàn thành năm 2006, thân đập Tam Hiệp vô cùng to lớn. Đập cao 181m, trải dài 2.335m ở ngay vị trí chuyển tiếp của sông Dương Tử từ khu vực địa hình thung lũng hẹp và sâu sang bằng phẳng. 

Nhà máy thủy điện đập Tam Hiệp hoàn thành năm 2012, có công suất phát điện 22.500 megawatt, gấp hơn 3 lần công suất của đập Grand Coulee lớn nhất ở Mỹ.

Đập Tam Hiệp. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, theo đề xuất năm 1992 của chính phủ Trung Quốc, lý do hàng đầu để xây dựng đập Tam Hiệp không phải là phát điện mà để ngăn chặn lũ lụt, CNN cho hay. 

Con đập khổng lồ ở khu vực thượng nguồn sông Dương Tử giúp ngăn chặn lũ lụt ở hạ lưu bằng cách giữ nước mưa trong một hồ chứa lớn sau đó kiểm soát việc xả nước lũ qua các cửa xả lớn. 

Hồ chứa đập Tam Hiệp trải dài 660km qua các nhánh hẹp của Tam Hiệp - thắng cảnh nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ - tới Trùng Khánh - đô thị rộng lớn có quy mô 30,5 triệu dân ở phía tây Trung Quốc. 

Vào mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, mực nước của hồ chứa đập Tam Hiệp giữ ở mức tối đa 175m để tối ưu hóa sản xuất điện tại nhà máy thủy điện. Trước khi bắt đầu mưa mùa hè vào tháng 6, hồ chứa đập Tam Hiệp xả dần nước xuống còn 145m để nhường chỗ cho nước lũ đổ về. 

 Cách thức đập Tam Hiệp kiểm soát lũ trên sông Dương Tử. Ảnh: CNN. 

Qua đó, hồ chứa đập Tam Hiệp tạo ra không gian trữ được 22 tỉ mét khối nước, đủ để chứa nước ở 9 triệu bể bơi có kích thước theo tiêu chuẩn Olympic. 

Tuy nhiên, không gian trữ nước này không là gì so với lượng nước lũ lớn có thể đổ về đập Tam Hiệp trong những năm lũ lụt Trung Quốc nghiêm trọng, CNN dẫn lời Fan Xiao - nhà địa chất học Trung Quốc. 

Trong một "trận lụt trăm năm mới có một lần", hơn 244 tỉ mét khối nước, hoặc để dễ hình dung hơn là lượng nước gấp đôi của Biển Chết, có thể đi qua Tam Hiệp trong 2 tháng, theo tính toán của chuyên gia Fan Xiao. 

Khả năng trữ nước của hồ chứa đập Tam Hiệp, trong trường hợp đó, chỉ có thể xử lý được khoảng 9% lượng nước này, ông nói thêm. 

"Nó giống như dùng một chiếc chén để xử lý một bồn nước lớn. Về mặt kiểm soát lũ, chi phí của đập chắc chắn đã vượt xa hiệu quả mang lại" - ông nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn