MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: BNG

Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Song Minh LDO | 21/12/2020 17:23

Việt Nam đã đi được một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020-2021 và để lại những dấu ấn đậm nét trong bối cảnh thế giới qua một năm đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Đảm trách xuất sắc vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an

Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐBA ngay tháng 1.2020 - tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương LHQ, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sáng kiến thứ hai của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA là tổ chức lần đầu tiên tại HĐBA một cuộc họp về thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và ASEAN.

Ngoài các đề xuất nêu trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, HĐBA đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông, Yemen, Nam Sudan… Việt Nam đã đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của HĐBA, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận để HĐBA đề ra được các quyết định kịp thời.

Phát biểu tại phiên họp tổng kết ngày 31.1.2020, đại diện các nước cho rằng Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của Chủ tịch, thông tin về công việc của HĐBA cho các nước không phải thành viên HĐBA, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.

Đóng góp tích cực vào công việc chung của HĐBA

Trong vai trò Uỷ viên không thường trực HĐBA, Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Việt Nam cũng đã chứng tỏ năng lực chủ trì, điều hành công việc của các cơ quan trực thuộc của HĐBA mà Việt Nam làm Chủ tịch, nhất là Ủy ban theo dõi thực hiện các nghị quyết của HĐBA về Nam Sudan (nơi Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2). Là điều phối viên của nhóm các nước Uỷ viên không thường trực (E10) trong tháng 5.2020, Việt Nam đã chủ động nối lại cơ chế họp hằng tháng bị gián đoạn do dịch COVID-19 giữa E10 và Tổng thư ký LHQ qua hình thức trực tuyến.

Sự tham gia, đóng góp trách nhiệm và tiếng nói "có lý, có tình" của Việt Nam đối với những vấn đề tưởng như rất xa xôi như ở Châu Phi, Mỹ Latin, Trung Đông... được cộng đồng quốc tế ghi nhận, xứng đáng với uy tín và sự tin tưởng dành cho một Uỷ viên không thường trực được bầu với số phiếu kỷ lục gần như tuyệt đối (192/193 phiếu).

Các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực Châu Á như Iran, Hong Kong (TQ), Rakhine (Myanmar)… Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận tích cực về đóng góp của Việt Nam tại HĐBA, đặc biệt đã có nhận định cho rằng Việt Nam là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và "trọng trách kép" trong năm 2020.

Những sự kiện “đầu tiên” ở LHQ trong nhiệm kỳ của Việt Nam

Ngày 7.12, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27.12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ.

Theo đề xuất của Việt Nam, lần đầu tiên, nội dung hợp tác với ASEAN cũng đã được thúc đẩy thảo luận tại Hội đồng Bảo an LHQ. Đáng chú ý, ngày 24.11, Đại hội đồng LHQ Khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ. Nghị quyết, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ năm 2002.

Tại cuộc họp tổng kết Ủy ban ASEAN hôm 7.12, các nước chúc mừng Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại New York. Dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đặt ra những khó khăn nhất định, các nước cho rằng Việt Nam đã điều phối thành công các hoạt động của ASEAN thông qua các đề xuất sáng tạo và hiệu quả.

* “Trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu, tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN” - Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng gửi thông điệp tới Phiên họp Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ ngày 25.9.2020.

* “Chúng tôi trân trọng cảm ơn các nước đã dành tín nhiệm cao bầu Việt Nam là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, và đang nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhất trọng trách này. Đồng thời là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cùng các thành viên nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, thịnh vượng... Tôi tin rằng với quyết tâm cao và nỗ lực mạnh mẽ chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình và tương lai tươi sáng cho hôm nay và mai sau” - Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp Cấp cao của Đại hội đồng LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, ngày 21.9.2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn