MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dấu hiệu không lành cho Hội nghị thượng đỉnh G20

Ngạc Ngư LDO | 11/07/2022 13:11

Diễn biến của Hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên của nhóm G20 - bao gồm 19 nước và EU - cuối tuần vừa qua ở Bali (Indonesia) thật sự độc nhất vô nhị xưa nay trong lịch sử của khuôn khổ diễn đàn này.

Hội nghị kết thúc không với tuyên bố hay thông cáo chung như thường lệ và cuộc khẩu chiến gián tiếp giữa đại diện của Nga và các nước thuộc khối Phương Tây liên quan đến chiến sự hiện tại ở Ukraina giữa Nga và Ukraina là điềm bất lành đối với sự kiện lớn nhất năm nay của G20 là Hội nghị thượng đỉnh của nhóm cũng ở Bali vào tháng 11 tới.

Ngay đến cả Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi trong tư cách chủ tịch G20 chủ trì hội nghị cũng phải ngậm ngùi xác nhận rằng chuyện chiến sự ở Ukraina chi phối tất cả và làm lu mờ tất cả mọi chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự.

Vì chuyện chiến sự này mà nội bộ G20 bị phân rẽ thành ba phe là phe gồm Nga và những thành viên ủng hộ Nga trực tiếp cũng như gián tiếp; phe các nước Phương Tây và các thành viên cùng hội cùng thuyền với các nước Phương Tây trong vấn đề chiến sự ở Ukraina; và phe lơ lửng giữa hai phe cánh nói trên.

Cuộc gặp này không đạt kết quả bởi hai phe nói trên đã biến G20 thành diễn đàn để khẩu chiến với nhau, gia tăng bất hoà và đối địch nhau chứ không phải cùng nhau tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề chiến sự ở Ukraina. Vì thế, sẽ là điều kỳ diệu hiếm thấy nếu Hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay của nhóm G20 ở Indonesia tháng 11 tới thành công.

Cũng vẫn là các thành viên của nhóm G20, nhưng cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao này khác so với cuộc gặp cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm diễn ra hồi tháng 4 vừa qua. Khi ấy, đại diện của Mỹ, Canada, EU và một số nước Phương Tây khác đã rời khỏi phòng họp khi đại diện của Nga phát biểu, cho dù chỉ là phát biểu trực tuyến. Ở Bali lần này, phía Nga có Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrow tham dự trực tiếp.

Ở cuộc gặp cấp cao của nhóm G7 vừa rồi, các thành viên nhóm này từ bỏ chủ trương tẩy chay mọi sự kiện của nhóm G20 nếu phía Nga tham dự trực tiếp. G7 biện luận rằng không thể để cho Nga độc chiếm diễn đàn G20 và chi phối diễn biến các sự kiện. G7 quyết định tham dự các sự kiện của G20 kể cả khi có đại diện của Nga tham dự, như ở cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao này và cuộc gặp cấp cao sắp tới. Các nước Phương Tây chủ định tập hợp lực lượng trong G20 cùng đối phó Nga, dùng diễn đàn này để phê phán Nga. Và đương nhiên các nước này không gặp gỡ song phương với Nga.

Cách ứng phó của Nga rất độc đáo trong thế giới ngoại giao và quan hệ quốc tế. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Bali tham dự hội nghị nhưng rời phòng họp ngay sau bài phát biểu, không nghe sự đáp trả của các nước Phương Tây. Ông Lavrov cũng không tham dự bất cứ hoạt động chung nào nữa trong khuôn khổ cuộc gặp, nhưng lại không rời Bali ngay mà dành nhiều thời gian hơn tham dự cuộc gặp cho các cuộc tiếp xúc song phương.

Có thể thấy phía Nga trả đũa việc bị tẩy chay hồi tháng 4 vừa qua và phát đi thông điệp là Nga hiện không quan tâm gì, lại càng không coi trọng gì những phát biểu hay tuyên bố hoặc hoạt động của các nước Phương Tây ở G20. Qua đó, cũng còn có thể dự liệu được rằng nhiều khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không đến Bali vào tháng 11 tới để tham dự cuộc gặp cấp cao năm nay của G20 cho dù Indonesia vẫn kiên định chủ ý mời ông Putin tham dự bất chấp mọi vận động cản phá của các nước Phương Tây.

Đối với G20, thực trạng và triển vọng như thế thật bất lợi. G20 không thể làm nên chuyện to tát khi nội bộ nhóm không những chỉ có không thống nhất và còn đối địch nhau không khoan nhượng như thế. Rồi đây, kể cả sau khi vấn đề chiến sự ở Ukraina được giải quyết, G20 vẫn cần không ít thời gian để khắc phục được thực trạng hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn