MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Địa điểm khảo cổ Lomekwi 3 nằm bên cạnh hồ Turkana ở Kenya. Ảnh chụp màn hình

Đâu là địa điểm khảo cổ lâu đời nhất thế giới?

Nguyễn Hạnh LDO | 15/09/2021 17:35
Tổ tiên loài người đã tồn tại trên Trái đất cách đây 6 triệu năm, nhưng đâu là địa điểm chứa bằng chứng khảo cổ lâu đời nhất về sự tồn tại của họ? 

Khoảng 10 học giả có chuyên môn về khảo cổ học tiền sử và nhân chủng học nói với Live Science rằng, có hai điểm - một ở Kenya và một ở Ethiopia - được coi là các ứng cử viên hàng đầu cho địa điểm khảo cổ lâu đời nhất thế giới.

Địa điểm đầu tiên, Lomekwi 3, nằm trên một ngọn đồi thấp ở Tây Turkana, Kenya. Nơi này lưu giữ xương của các hominin cũng như các đồ tạo tác bằng đá. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2015 trên tạp chí Nature, bằng cách xác định niên đại của lớp trầm tích nơi các hiện vật được tìm thấy, các nhà nghiên cứu ước tính tuổi của khu vực này là khoảng 3,3 triệu năm. Phát hiện này đánh dấu một sự khởi đầu mới cho hồ sơ khảo cổ thế giới. Các công cụ đó có thể là do Australopithecus afarensis (một hominin từng phát triển mạnh trong khu vực) tạo ra.

Jason Lewis, trợ lý giám đốc Viện Lưu vực Turkana, cho hay: "Lomekwi 3 là địa điểm khảo cổ được biết đến lâu đời nhất trên thế giới".

Phó giáo sư nhân chủng học Jeremy DeSilva từ Đại học Dartmouth (Mỹ) đồng ý rằng Lomekwi 3 là địa điểm khảo cổ lâu đời nhất được biết đến, nhưng ông lưu ý không phải tất cả các học giả đều đồng ý. Một số đồng nghiệp của ông vẫn chưa tin tưởng vào tính cổ xưa của những công cụ này. 

Giáo sư nhân chủng học David Braun từ Đại học George Washington (Mỹ) thông tin, có nhiều nhà khảo cổ cho rằng các đồ tạo tác có thể không có cùng niên đại với lớp trầm tích nơi chúng được tìm thấy.

Giảng viên cao cấp về khảo cổ học Yonatan Sahle từ Đại học Cape Town (Nam Phi) là một trong những nhà khảo cổ đó. Ông nói: "Đối với nhiều người - bao gồm cả tôi - bằng chứng rõ ràng cho địa điểm khảo cổ cổ nhất là các công cụ bằng đá 2,6 triệu năm tuổi từ Gona, nằm bên sông Kada Gona ở Afar, Ethiopia".

"Nghiên cứu tại Lomekwi 3 được công bố tương đối gần đây, trong khi nghiên cứu tại Gona đã được xuất bản trong vài thập kỷ và vượt qua được sự giám sát kỹ lưỡng về mặt học thuật" - giảng viên Sahle cho hay.

Tim White, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiến hóa Con người tại Đại học California (Mỹ), đồng ý Gona có bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh nó là địa điểm khảo cổ lâu đời nhất.

"Các tuyên bố về Lomekwi đã không được chứng minh đầy đủ khi được công bố và không có bằng chứng mới nào được cung cấp" - giám đốc White nói.

Bên cạnh đó, một số học giả ủng hộ ý kiến ​​cho rằng Lomekwi "già" hơn Gona. Chẳng hạn như Rick Potts, giám đốc Chương trình Nguồn gốc Con người của Smithsonian, tin chắc Lomekwi 3 là địa điểm lâu đời nhất nhờ vào các đồ tạo tác bằng đá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn