MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những chiếc bẫy thú hình con diều được tạo ra từ thời kỳ đồ đá giúp con người săn bắt dễ dàng hơn. Ảnh: Giáo sư Lombard/Đại học Johannesburg

Dấu vết khảo cổ 2.000 năm cho thấy kỹ năng tài tình của người tiền sử

Bảo Châu LDO | 26/05/2021 20:00
Dấu vết khảo cổ cho thấy, thợ săn thời tiền sử đã nghĩ ra những cái bẫy ''đường băng'' tài tình để săn bắt động vật.

Theo tạp chí Khoa học Khảo cổ học và Nhân loại học, từ thời kỳ đồ đá mới và đồ đồng, con người đã sử dụng tư duy để nghĩ ra những ''đường băng'' dài bằng đá để bẫy động vật, lùa chúng vào bên trong, khiến chúng dễ dàng bị con người bắt. Những động vật phổ biến thời kỳ săn bắt, hái lượm này gồm các gia súc, lợn, hươu.

Để tạo ra các bẫy thú tài tình có hình dạng giống những con diều này, những người thợ săn chất các hòn đá lại với nhau để tạo ra hai dãy tường song song, dài vài chục mét, tụ lại thành hình chữ ''V'' ở điểm cuối.

Các bức tường có thể dày từ 0,6m đến 0,9m, cao tới 1,5m và khi gặp nhau ở điểm cuối, mở ra một khoảng trống nhỏ hình phễu. Hàng nghìn con linh dương di cư sẽ bị dồn đuổi vào đáy phễu - nơi chúng sẽ bị con người hạ thủ.

Những chiếc bẫy thường được dựng lên dọc theo khu vực di cư của động vật để thuận tiện lùa con mồi vào bẫy.

Cận cảnh dấu vết khảo cổ một chiếc bẫy thú hình diều nhìn từ trên cao. Ảnh: GS Lombard/Đại học Johannesburg

Hàng trăm địa điểm bẫy hình diều đã được tìm thấy ở Trung Đông, bao gồm Jordan, Syria, Israel và xa nhất là ở tận Trung Á. Chúng được cho là bắt đầu được áp dụng từ khoảng 6.000 đến 5.000 năm trước nhưng bị thay thế bởi những phương pháp săn bắt phát triển hơn kể từ giữa những năm 2000 trước Công nguyên.

Tuy nhiên, chưa ai từng nghĩ rằng chúng đã được những thợ săn miền nam Châu Phi sử dụng cho đến khi giáo sư khảo cổ học thời kỳ đồ đá Marlize Lombard tại Đại học Johannesburg, Nam Phi, phát hiện ra khoảng một chục dấu vết bẫy hình diều gần Keimoes, Nam Phi hồi năm 2016.

Đến năm 2018, giáo sư và các đồng nghiệp lại tìm thấy một cụm bẫy diều với số lượng 14 chiếc, tập trung quanh một ngọn đồi nhỏ.

Sau đó, năm 2019, bằng cách sử dụng phương pháp khảo sát bằng tia lazer LiDAR, họ tiếp tục phát hiện thêm 2 vị trí khác.

Vị trí phát hiện bẫy thú của người Châu Phi cổ. Ảnh: Đại học Johannesburg

Các nhà nghiên cứu nhận định, những người săn bắn hái lượm ở miền nam Châu Phi khô cằn đã biết biến đổi cảnh quan một cách có chủ ý để săn bắt hiệu quả hơn.

''Kết quả của chúng tôi làm nổi bật sự hiểu biết của những người thợ săn về các hành vi và mô hình di cư của động vật cũng như các yêu cầu tối thiểu để xây dựng các bẫy diều" - báo cáo nghiên cứu của các tác giả cho hay.

Giáo sư Lombard tin rằng các bẫy diều ở Keimoes, Châu Phi, có niên đại gần đây hơn so với ở Trung Đông, và có thể được tạo ra chỉ trong vòng 2.000 năm trở lại đây, bởi những người săn bắn hái lượm hoặc chăn nuôi gia súc.

“Nhiều người sống ở khu vực Keimoes ngày nay là hậu duệ của các quần thể Khoisan nguyên thủy, những người đã sống ở đó từ rất lâu, từ 2.000 năm trước' - giáo sư nói.

Cũng theo nhận định của giáo sư Lombard, có thể còn có nhiều địa điểm bẫy diều khác ở miền nam Châu Phi nhưng rất khó phát hiện do bị hạn chế bởi địa điểm và cảnh quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn