MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phát hiện khảo cổ cho thấy con người cổ đại đã biết sử dụng lửa cách đây 92.000 năm để biến đổi rừng, phục vụ cuộc sống. Ảnh: Jessica Thompson/Đại học Yale

Dấu vết khảo cổ hé lộ bước ngoặt kinh ngạc của tổ tiên loài người

Phương Linh LDO | 07/05/2021 12:00
Các nhà khảo cổ học phát hiện tổ tiên loài người bắt đầu tác động để biến đổi thiên nhiên cách đây 10.000 năm.

Con người đã và đang tích cực thay đổi các cảnh quan trên Trái đất, nhưng việc định hình hệ sinh thái không chỉ là một hoạt động trong thời kỳ hiện đại, tổ tiên của chúng ta đã bắt đầu quá trình biến đổi này cách đây gần 100.000 năm.

Nghiên cứu do Đại học Yale (Mỹ) dẫn đầu, phân tích các vùng đất và dữ liệu môi trường cổ đại dọc theo bờ phía bắc của hồ Malawi ở Đông Phi. Nghiên cứu đã phát hiện ra các khu định cư trong khu vực được tổ tiên loài người xây dựng cách đây 92.000 năm bằng cách dùng lửa.

Địa điểm hồ Malawi ở Nam Phi, nơi tiến hành nghiên cứu. Ảnh: Đại học Yale

Jessica Thompson - trợ lý giáo sư nhân chủng học tại Khoa Nghệ thuật và Khoa học của Đại học Yale và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: ''Đây là bằng chứng sớm nhất mà tôi nhìn thấy về việc con người biến đổi về cơ bản hệ sinh thái của họ bằng lửa... Vào thời kỳ Pleistocen muộn cách đây khoảng 10.000 năm, con người đã học cách sử dụng lửa theo những cách thực sự mới lạ. Trong trường hợp này, họ đốt rừng khiến các khu rừng trong khu vực bị thay thế bằng các khu rừng thưa mà chúng ta thấy ngày nay''.

Công trình nghiên cứu bắt đầu vào năm 2018, khi các nhà cổ sinh vật học từ Đại học tiểu bang Pennsylvania kiểm tra hóa thạch, phấn hoa và khoáng chất trong hai lõi trầm tích lấy lên từ đáy hồ Malawi, theo tập san khoa học Scientific America.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy mực nước và thảm thực vật của hồ được đặt trong kiểu khí hậu nhất quán trong suốt 636.000 năm qua và các khu rừng dọc bờ hồ đã biến mất trong các đợt hạn hán nhưng phục hồi lại khi nước hồ đạt mức bình thường.

Tuy nhiên, các ghi chép về phấn hoa cho thấy có sự gián đoạn trong chu kỳ khoảng 86.000 năm trước. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi bước vào thời kỳ ẩm ướt hơn, mực nước trong khu vực đã ổn định trở lại, nhưng các khu rừng dọc theo bờ hồ vẫn không phục hồi.

Nhà nghiên cứu Sarah Ivory thuộc đại học Pennsylvania nói: ''Cây cối đặc trưng của khu rừng tán rậm, cấu trúc phức tạp không còn phổ biến nữa mà được thay thế những loài thực vật thích ứng tốt với cháy, theo phân tích phấn hoa''.

Dữ liệu cũng tiết lộ, sự gia tăng đột biến trong tích tụ than củi xảy ra ngay trước khi sự đa dạng sinh học trong khu vực bị san phẳng.

Cả hai nhà nghiên cứu Thompson và Ivory đã khám phá ra các khu định cư cổ đại xung quanh hồ nước, với hàng chục nghìn di vật bằng đá niên đại cách đây khoảng 92.000 năm.

Nhiều công cụ khác sử dụng để săn bắt và xẻ thịt động vật cũng được tìm thấy tại địa điểm này.

Kết hợp nhiều phát hiện lại với nhau, các nhà nghiên cứu kết luận rằng rừng đã bị đốt cháy để có nhiều chỗ cho con người sinh hoạt hơn.

Việc gia tăng than củi cũng có thể đến từ các đám cháy không kiểm soát được trong khu vực hoặc người dân đốt củi để nấu thức ăn hoặc giữ ấm.

Nhà nghiên cứu Thompson khẳng định: "Bằng cách này hay cách khác, hoạt động của con người gây ra các đám cháy. Nó cho thấy những con người đầu tiên, trong một thời gian dài, đã kiểm soát môi trường của họ hơn là bị môi trường kiểm soát. Họ đã thay đổi toàn bộ cảnh quan, và cho dù là tốt hơn hay xấu đi, mối quan hệ với môi trường của con người chúng ta vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay''.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn