MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người dân đi ngang qua khu vực tưởng niệm tạm thời dành cho các nhân viên y tế đã chết vì COVID-19 bên ngoài 1 cơ sở y tế địa phương ở Saint Petersburg, Nga hôm 11.5. Ảnh: AFP.

Dịch COVID-19 ngày 13.5: Nga trở thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới

Lê Thanh Hà LDO | 13/05/2020 07:09

Theo số liệu của Worldometers, tính đến sáng ngày 13.5 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 4,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 292.366 ca tử vong và 1.594.094 người hồi phục.

Tăng mạnh nhất số người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua vẫn là Mỹ với hơn 21.562 ca, tiếp đó là Nga với 10.899 ca và Brazil với 8.446 ca. 

Tăng mạnh nhất số ca tử vong trong 24 giờ qua là Mỹ với 1.516 ca, Brazil 775 ca và Anh 693 ca.

Mỹ vẫn đang là nước đứng đầu thế giới với 1.408.039 ca mắc và 83.366 ca tử vong. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 269.520 ca mắc và 26.920 tử vong, Nga 232.243 ca mắc và 2.116 người tử vong.

WHO ghi nhận những “số liệu tích cực” có tiềm năng trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19

Theo The Guardian, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một số phương pháp điều trị COVID-19 đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế mức độ nghiêm trọng hoặc thời gian mắc bệnh. Tổ chức này đang tập trung tìm nghiên cứu thêm về 4-5 trong số những phương pháp tiềm năng nhất.

WHO đang dẫn đầu một sáng kiến ​​toàn cầu để phát triển vaccine COVID-19, các loại thuốc điều trị an toàn và hiệu quả. “Chúng tôi đã ghi nhận những dữ liệu tích cực trong điều trị COVID-19 nhưng sẽ cần thêm thời gian để khẳng định hiệu quả 100% của phương pháp”, phát ngôn viên Margaret Harris nói, tuy nhiên, không nêu tên cụ thể.

Trước đó, WHO cho biết có hơn 100 loại vaccine COVID-19 tiềm năng đang được phát triển và một số đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ cảnh báo hậu quả của việc vội vã dỡ bỏ hạn chế chống dịch

Theo Reuters, bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cơ quan thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh hôm 12.3 đã lên tiếng cảnh báo Quốc hội rằng việc vội vã dỡ bỏ hạn chế chống dịch có thể dẫn đến các đợt bùng phát mới của virus SARS-CoV-2 tại nước này.

“Nguy cơ đang hiện hữu trước mắt là một đợt bùng phát mới có khả năng sẽ được kích hoạt nếu vội vã dỡ bỏ hạn chế và khó thể kiểm soát được. Điều này không chỉ dẫn đến những thương vong không đáng có mà còn trì hoãn chúng ta trên con đường phục hồi nền kinh tế”, bác sĩ Fauci cảnh báo và kêu gọi các tiểu bang tuân theo các khuyến nghị của các chuyên gia y tế trong việc ghi nhận số nhiễm mới giảm dần trước khi mở cửa trở lại.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khuyến khích các tiểu bang chấm dứt tình trạng đóng cửa kéo dài nhiều tuần để tập trung khôi phục kinh tế.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 trên thế giới. Theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, hơn 83.200 người đã chết vì COVID-19 tại Mỹ. New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ với ít nhất 20.200 người chết trong số hơn 184.300 trường hợp được xác nhận.

Nga trở thành vùng dịch lớn thứ 3 trên thế giới

10.899 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đã nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Nga lên 232.243, CNN đưa tin. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca nhiễm mới tại Nga tăng ở mức hơn 10.000 trường hợp mỗi ngày, khiến nước này trở thành vùng dịch lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tuyên bố sẽ nới lỏng 1 số hạn chế chống dịch tùy thuộc vào tình hình ở từng địa phương, đồng thời, triển khai các biện pháp hỗ trợ mới cho các doanh nghiệp và cho các gia đình bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Các biện pháp hỗ trợ còn nhằm kiềm chế số người thất nghiệp tại Nga đã lên tới 1,4 triệu và đang tiếp tục tăng.

Với ít nhất 115.909 trường hợp được ghi nhận, Mátxcơva vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19 tại Nga. Do đó, giới chức thành phố đã quyết định duy trì lệnh phong tỏa đến hết 31.5.

Canada xem xét siết chặt kiểm soát biên giới với Mỹ

Canada sẽ tăng cường giám sát tại các cửa khẩu biên giới với Mỹ giữa lúc các cuộc thảo luận của hai nước về thời điểm và cách thức mở cửa trở lại biên giới vẫn còn bỏ ngỏ.

“Chúng tôi đang xem xét triển khai các biện pháp nghiêm ngặt hơn để đảm bảo kiểm soát được biên giới trước tình hình dịch bệnh. Sau đó, Canada sẽ rất cẩn trọng trong việc mở lại bất kì chuyến đi quốc tế nào trước khi cảm thấy thích hợp, kể cả đối với Mỹ”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói trong cuộc họp báo ở Ottawa hôm 12.5.

Trước đó, Canada và Mỹ đã thống nhất đóng cửa biên giới với những trường hợp di chuyển đi không thiết yếu từ tháng 3 và thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào 21.5. Lãnh đạo hai nước hiện chưa đưa ra quyết định nào về việc liệu thỏa thuận biên giới này có còn được áp dụng sau ngày đó hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn