MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một con bò sữa đứng giữa đường phố không một bóng người ở thủ đô Delhi khi quốc gia này phong tỏa. Ảnh: AP

Điểm sáng bất ngờ khi Ấn Độ thực hiện phong tỏa

HỒNG HẠNH LDO | 13/04/2020 13:19

Trong thời gian phong tỏa vì COVID-19 ở Ấn Độ, bỏ qua sự sợ hãi và nỗi lo lắng, có một điều tươi sáng bất ngờ hiện hữu ở quốc gia này.

Ấn Độ đang cố gắng "làm phẳng đường cong" của dịch bệnh COVID-19 trước khi hệ thống y tế ở quốc gia hơn 1,3 tỉ dân trở nên quá tải.

Chính phủ đã quyết định kéo dài phong tỏa thêm 10 ngày nữa, điều này giúp môi trường trở nên trong lành đáng kể dù để lại những ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế.

Theo phân tích của các chuyên gia đến từ Trung tâm Khoa học và Môi trường, vài ngày sau khi bắt đầu phong tỏa, mức độ ô nhiễm không khí đã giảm gần 60% tại thủ đô Delhi.

Bình thường, thủ đô của Ấn Độ là một siêu đô thị ô nhiễm không khí nhất thế giới. Trong suốt mùa đông, chất lượng không khí được cho là ở mức tồi tệ. Tháng 11.2019, không khí ở thủ đô trải qua đợt ô nhiễm lâu nhất từ trước đến nay.

Những ngày đang phong tỏa, người dân thủ đô cách ly ở trong nhà và chỉ còn các cửa hàng bán đồ thiết yếu mở cửa. Do đó, điều tươi sáng duy nhất ở nơi đây lúc này là có thể nhìn thấy bầu trời trong xanh, mặt trăng và các vì sao mà không có hàng rào khói bụi như thông thường.

Kiến trúc sư Sameer Dhanda (26 tuổi), cho biết, cảnh tượng này ấn tượng đến nỗi "tôi cảm thấy như đang khen ngợi bầu trời vì vẻ đẹp của nó".

Ở các vùng khác của Ấn Độ, dãy núi Himalaya có thể nhìn thấy từ xa lần đầu tiên sau nhiều năm. Các tuyến đường thủy bị tắc nghẽn do ô nhiễm công nghiệp như sông Yamuna ở Delhi - đầy bọt xám chỉ vài tháng trước - giờ đây đang chảy như chưa từng được chảy.

Ô nhiễm hiện đã giảm đáng kể do phần lớn hoạt động kinh tế đang tạm dừng, buộc những người lao động phải đi bộ hàng trăm kilomet về quê của họ. 

Jyoti Pande Lavakare, nhà hoạt động chống ô nhiễm ở Delhi, cho biết, cô nhớ đã nhìn không thấy bầu trời màu xanh ít nhất một thập kỷ. Trong những ngày gần đây, cô mới có cơ hội để tập thể dục  ngoài trời vào buổi sáng  và  nằm trên bãi biển chỉ để ngắm bầu trời.

"Sau khi chúng tôi chiến đấu với đại dịch COVID-19, chúng tôi cần xem lại cách đối xử với môi trường" - tờ Washington Post dẫn lời cô Lavakare. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, ô nhiễm không khí giết chết 7 triệu người mỗi năm.

Cho đến nay, người dân Delhi đang trân trọng một mặt trái hiếm hoi của thời điểm được đánh dấu bằng sự sợ hãi và lo lắng. Priyanki Choudhury (29 tuổi) tâm sự, cô chưa trải nghiệm điều này - bầu trời trong xanh vào ban ngày và các ngôi sao hiện hữu vào ban đêm - từ khi cô còn là một thiếu niên. Choudhury không chắc chắn liệu việc phong tỏa có thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 hay không. Nhưng, đối với môi trường, cô nói, rõ ràng đây là "thời gian để chữa lành".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn