MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án phát triển khí đốt Midia tại làng Vadu trên bờ Biển Đen ở đông nam Romania. Ảnh: Xinhua

Diễn biến mới nhất về tình hình khí đốt của EU

Ngọc Vân LDO | 19/07/2023 06:00

Mức tiêu thụ khí đốt của EU giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 do nhập khẩu khí đốt qua đường ống sụt giảm.

Lượng nhập khẩu khí đốt đường ống của Liên minh châu Âu đạt tổng cộng 11,6 tỉ mét khối (bcm) trong tháng 6, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái - Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cho biết trong báo cáo hàng tháng.

Theo báo cáo, trong nửa đầu năm 2023, mức tiêu thụ khí đốt của liên minh gồm 27 thành viên đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 178 tỉ mét khối. Nhìn chung, việc vận chuyển khí đốt qua đường ống tới EU đã giảm 34% xuống còn 76,7 tỉ mét khối do nhập khẩu từ Nga và Na Uy giảm.

“Sự suy giảm này chủ yếu là do sản lượng điện mặt trời và điện gió ngày càng tăng, dẫn đến giảm phụ thuộc vào khí đốt để phát điện. Ngoài ra, việc thực hiện liên tục quy định của EU tự nguyện giảm 15% tiêu thụ khí đốt từ ngày 1.4.2023 đến ngày 31.3.2024 đã tác động đến mức tiêu thụ khí đốt ở liên minh” - GECF cho biết.

Theo báo cáo, nhu cầu của ngành công nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn so với năm ngoái, mặc dù giá khí đốt gần đây đã giảm.

Sản xuất điện từ khí đốt trong EU giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng sản lượng điện giảm 7%, đạt 182 terawatt giờ (TWh). Ngoài ra, đã có sự sụt giảm đáng kể, tới 39% trong sản xuất điện từ than.

EU trước đây đáp ứng khoảng 2/5 nhu cầu khí đốt thông qua nhập khẩu khí đốt Nga. Năm ngoái, các quốc gia thành viên đã đồng ý tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt từ tháng 8.2022 đến tháng 3.2023. Thỏa thuận đã được gia hạn thêm 12 tháng.

Tuy nhiên, theo Cục Môi trường châu Âu, chỉ có 14 trong số 27 quốc gia EU áp dụng các biện pháp bắt buộc để cắt giảm tiêu thụ năng lượng.

5 trong số 14 quốc gia - Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - được cho là chiếm 60% lượng giảm, trong khi Bulgaria, Latvia và Romania là những quốc gia thành viên chưa thực hiện bất kỳ quy định tiết kiệm năng lượng nào. Điều này một phần là do nhu cầu khí đốt thấp ở các quốc gia này.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng mùa đông ôn hòa năm 2022 giúp các thành viên EU tiêu thụ ít năng lượng hơn, trong khi giá cao dẫn đến các ngành sử dụng nhiều năng lượng thu hẹp sản xuất.

Trong một diễn biến khác, Bloomberg đưa tin, Nhật Bản - nước nhập khẩu lớn các mặt hàng năng lượng - có kế hoạch đề xuất thành lập một kho dự trữ khí đốt khẩn cấp toàn cầu, tương tự như các yêu cầu dự trữ khẩn cấp đối với dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Mặc dù EU có mục tiêu chung là lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt trước ngày 1.11 hàng năm - mục tiêu được đặt ra sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina - nhưng không có kho dự trữ khẩn cấp khí đốt toàn cầu.

Đối với các thành viên IEA, bao gồm hầu hết các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản và Mỹ, mỗi quốc gia có nghĩa vụ nắm giữ lượng dầu dự trữ tương đương với ít nhất 90 ngày nhập khẩu dầu ròng và sẵn sàng ứng phó chung với sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Đề xuất của Nhật Bản về dự trữ khí đốt khẩn cấp tương tự như yêu cầu dự trữ dầu mỏ khẩn cấp của IEA.

Năm ngoái, giá khí đốt toàn cầu tăng kỷ lục sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina và cắt giảm khí đốt cho hầu hết các nước EU.

Tháng 8.2022, giá khí đốt chuẩn châu Âu và giá LNG giao ngay châu Á đạt mức cao kỷ lục khi châu Âu và châu Á cạnh tranh nguồn cung LNG trước mùa đông 2022-2023.

Giữa tất cả những diễn biến này, thâm hụt thương mại của Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 8.2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn