MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) lần thứ 26 diễn ra tại trung tâm triển lãm Expoforum ở thành phố lớn thứ hai của Nga St.Petersburg. Ảnh: Tân Hoa Xã

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg đặt trọng tâm vào phát triển có chủ quyền

Thanh Hà LDO | 17/06/2023 06:48

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg lần thứ 26 (SPIEF) diễn ra từ ngày 14.6 tại trung tâm triển lãm Expoforum ở thành phố lớn thứ hai của Nga St.Peterburg với chủ đề "Phát triển có chủ quyền là nền tảng của một thế giới công bằng: Nỗ lực chung vì các thế hệ tương lai". 

Hơn 17.000 đại biểu từ khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg, trong đó có đại diện từ các đối tác thương mại quan trọng của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ, cùng bạn bè châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. 

Theo Tân Hoa Xã, các đại biểu Nga và quốc tế tham gia diễn đàn tập trung thảo luận về sự phát triển của nền kinh tế Nga trong bối cảnh bị trừng phạt, chủ quyền công nghệ của đất nước, các ưu tiên chính sách xã hội và các vấn đề kinh tế thế giới. Trong khuôn khổ sự kiện kéo dài tới ngày 17.6, Nga cũng tổ chức một số cuộc đối thoại kinh doanh song phương với Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ấn Độ và Brazil.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tiết lộ trên sóng Channel One, Tổng thống Vladimir Putin có đánh giá về nền kinh tế Nga và nêu bật những triển vọng chính khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg.

Người phát ngôn Điện Kremlin tiết lộ: “Chúng ta có thể trông đợi một đánh giá về nền kinh tế của chúng ta trong năm qua. Đây là điều quan trọng nhất. Các bạn biết rằng, tổng thống luôn thích đưa ra đánh giá chi tiết tại diễn đàn và có thể sẽ vạch ra những triển vọng chính".

Chương trình nghị sự của diễn đàn thường niên tại thành phố St.Petersburg của Nga năm nay cũng bao gồm “Nga với tư cách là trung tâm công nghệ toàn cầu” và “Bắc Cực: Lãnh thổ của cơ hội đầu tư và du lịch”.  

SPIEF được tổ chức từ năm 1997 và đã trở thành một diễn đàn toàn cầu mạnh mẽ để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về các vấn đề kinh tế quan trọng mà Nga và thế giới đang đối mặt. Yevgeny Nadorshin - nhà kinh tế trưởng tại PF Capital, một công ty tư vấn nhỏ ở Mátxcơva - cho biết, diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức năm 1997, được thiết kế để giới thiệu “phương diện công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nga với phương Tây”.

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina và các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt với Mátxcơva, một số người bạn phương Tây thân thiết của Nga dự kiến tham dự gồm cựu Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl, nghị sĩ Quốc hội Đức Matthias Moosdorf. Họ tham gia hội thảo trong khuôn khổ diễn đàn có nội dung tập trung về ảnh hưởng của phương Tây đang suy giảm, theo New York Times.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là khách mời danh dự của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg lần thứ 26.

Theo hãng tin nhà nước UAE WAM, Sheikh Saud bin Saqr al Qasimi - Tiểu vương của Ras Al Khaimah, 1 trong 7 thành viên của Hội đồng Liên bang Tối cao - là người dẫn đầu phái đoàn UAE tới Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg.

Cliff Kupchan - Chủ tịch của Eurasia Group, một công ty có trụ sở tại Washington - cho biết: “Việc tổ chức diễn đàn là nỗ lực nhằm báo hiệu cho người dân rằng Nga vẫn tiến hành kinh doanh như bình thường".

Sau khi phương Tây áp đặt một số biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề với Nga khi xung đột ở Ukraina bùng phát tháng 2.2022, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định, Nga có thể duy trì nền kinh tế bằng cách xoay trục sang châu Á.

Chương trình nghị sự của diễn đàn cũng bao gồm các cuộc thảo luận về một số chương trình nổi bật của ông Putin, như nỗ lực loại bỏ ảnh hưởng của đồng USD như loại tiền tệ chính trong thương mại quốc tế và khái niệm “chủ quyền công nghệ” - tức loại bỏ sự phụ thuộc vào phương Tây. 

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng có cuộc thảo luận về “cải cách lịch thi đấu" khi Nga bị cấm tham gia nhiều cuộc thi thể thao quốc tế và cuộc thảo luận về cách để những người lính Nga bị thương trong xung đột có thể tái hòa nhập cuộc sống bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn