MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điều tra tham nhũng, tắc trách trong vụ nổ như bom hạt nhân ở Lebanon

Song Minh LDO | 06/08/2020 07:55
Người dân Lebanon phẫn nộ về sự tắc trách, tham nhũng của giới chức - nguyên nhân dẫn đến vụ nổ như bom hạt nhân ở Beirut.

Điều tra vụ nổ

Cuộc điều tra vụ nổ ở Lebanon tập trung vào sự tắc trách trong việc lưu trữ hàng nghìn tấn hoá chất ở nhà kho.

Bộ Y tế Lebanon cho biết, vụ nổ ở cảng Beirut ngày 4.8 đã làm ít nhất 135 người chết và khoảng 5.000 người khác bị thương.

Theo AP, người dân đang rất phẫn nộ với sự tắc trách, lơ là nhiệm vụ và quản lý sai lầm kinh niên dẫn đến thảm họa. Cảng Beirut và cơ quan hải quan nổi tiếng là một trong những tổ chức tham nhũng và béo bở nhất ở Lebanon - nơi các phe phái và chính trị gia khác nhau, bao gồm Hezbollah, nắm quyền.

Cuộc điều tra đang tập trung vào cách 2.750 tấn ammonium nitrate - hóa chất gây nổ cao được sử dụng trong phân bón - được lưu trữ tại nhà kho trong 6 năm, và tại sao không có biện pháp gì được thực hiện về số hoá chất này.

Ảnh chụp từ trên cao toàn cảnh hiện trường sau vụ nổ. Ảnh: AP

Một lá thư chính thức lưu hành trên mạng cho thấy người đứng đầu cơ quan hải quan đã cảnh báo nhiều lần trong những năm qua rằng, kho ammonium nitrate khổng lồ tại cảng là một mối nguy hiểm và yêu cầu các quan chức tư pháp cho ý kiến để xử lý số hoá chất này. 

Cục trưởng hải quan Badri Daher xác nhận với kênh truyền hình LBC địa phương rằng, có 5 hoặc 6 bức thư như vậy gửi cho giới chức tư pháp. Ông cho biết, người tiền nhiệm của ông cũng đã yêu cầu cơ quan tư pháp ban hành lệnh xuất khẩu vật liệu nổ “vì chúng nguy hiểm như thế nào” đối với cảng và nhân viên ở đó.

Daher nói, nhiệm vụ của ông là cảnh báo giới chức về các mối nguy hiểm và đó là nhiệm vụ lớn nhất ông có thể làm. “Tôi không phải là một chuyên gia kỹ thuật” - ông nói.

Một người đàn ông thẫn thờ sau vụ nổ. Ảnh: Getty Images

Ammonium nitrate là một thành phần để sản xuất phân bón và thuốc nổ. 2.750 tấn hoá chất này đã được lưu trữ tại cảng kể từ khi nó bị tịch thu từ một con tàu vào năm 2013, và vào ngày 4.8, nó được cho là đã phát nổ sau khi một đám cháy xảy ra gần đó.

Tổng thống Lebanon Michael Aoun tuyên bố trước cuộc họp nội các hôm 5.8 rằng, cuộc điều tra nguyên nhân vụ nổ ở cảng Beirut sẽ minh bạch và những người chịu trách nhiệm sẽ bị trừng phạt. “Không từ nào có thể diễn tả thảm họa xảy ra ở Beirut đêm qua” - ông nói. Sau cuộc họp, nội các đã ra lệnh quản thúc tại gia một số quan chức cảng Beirut trong khi chờ điều tra.

Thiệt hại sau vụ nổ lên đến 10-15 tỉ USD. Ảnh: Getty

Thiệt hại nghiêm trọng

Thiệt hại từ vụ nổ được ước tính là từ 10-15 tỉ USD - Thị trưởng Beirut Marwan Abboud nói với đài truyền hình Al-Hadath, gần 300.000 người mất nhà cửa.

“Beirut mà chúng ta biết đã biến mất và mọi người sẽ không thể xây dựng lại cuộc sống của họ” - Amy, một phụ nữ sống ở thành phố, nói. "Đây là địa ngục. Mọi người sẽ sống thế nào đây. Họ (các nhà chức trách) định làm gì?” - cô nói, đổ lỗi cho các quan chức thiếu trách nhiệm và “ngu ngốc”.

Đó là vụ nổ tồi tệ nhất tấn công Lebanon, một đất nước có lịch sử đầy rẫy sự hủy diệt - từ cuộc nội chiến 1975-1990, xung đột với Israel và các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên.

Lebanon đã trên bờ vực sụp đổ giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và đại dịch COVID-19. Nhiều người mất việc làm, trong khi tiền tiết kiệm bốc hơi vì khủng hoảng tiền tệ. An ninh lương thực là một mối lo ngại, vì nước này nhập khẩu gần như tất cả các hàng hóa quan trọng và cảng chính của đất nước hiện đang bị tàn phá. Chính phủ đang thiếu tiền mặt.

Chính phủ cho biết các trường công lập và một số khách sạn sẽ được mở cho người vô gia cư và hứa sẽ bồi thường cho các nạn nhân.

Trong khi đó, người dân phải đối mặt với cảnh tàn phá huỷ diệt. Khói vẫn bốc lên từ cảng. Vụ nổ để lại một miệng hố 200 mét đầy nước biển, như thể Địa Trung Hải đã ngoạm cảng Beirut và nuốt chửng các tòa nhà. Phần lớn trung tâm thành phố bị vùi lấp bởi những chiếc xe bị hư hỏng và mảnh vỡ đổ nát.

Cảnh quay của AP cho thấy vụ nổ xé toạc một silo, nơi lưu trữ khoảng 85% ngũ cốc của Lebanon.

Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Raoul Nehme cho biết, tất cả lúa mì đều bị hỏng và không thể sử dụng được. Nhưng ông khẳng định Lebanon có đủ lúa mì cho nhu cầu trước mắt và sẽ nhập khẩu nhiều hơn.

Hai máy bay cứu hộ và viện trợ của Pháp sẽ đến Beirut và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tới đây trong ngày 6.8. Một số máy bay chở thiết bị y tế và vật tư từ Hy Lạp, Kuwait, Qatar và những nơi khác đã đến sân bay quốc tế Beirut

Thổ Nhĩ Kỳ gửi các đội tìm kiếm cứu nạn, viện trợ nhân đạo, thiết bị y tế và một bệnh viện dã chiến. EU lên kế hoạch cử lính cứu hỏa cùng các phương tiện để tìm người bị mắc kẹt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn