MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hóa thạch Kibish Omo I được khai quật ở Ethiopia năm 1967. Ảnh: AFP

Định lại tuổi hóa thạch cổ soi rọi thêm về nguồn gốc loài người

Thanh Hà LDO | 13/01/2022 16:26
Một trong những hóa thạch Homo sapiens lâu đời nhất có thể già hơn 35.000 năm so với suy nghĩ trước đây, theo một nghiên cứu công bố ngày 12.1. 

Hóa thạch Kibish Omo I, được khai quật lần đầu ở Ethiopia năm 1967, chỉ chứa các mảnh xương và hộp sọ rất khó xác định niên đại trực tiếp.

Các chuyên gia từ lâu vẫn tranh cãi về niên đại của hóa thạch này. Năm 2005, các nhà địa chất phân tích lớp đá ngay bên dưới nơi phát hiện hóa thạch và xác định Omo I ít nhất 195.000 năm tuổi.

Kết luận này khiến hóa thạch Omo I là hóa thạch Homo sapiens lâu đời nhất từng được phát hiện vào thời điểm đó.

"Nhưng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn" - Celine Vidal, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu Nature, chia sẻ. 

Là chuyên gia về núi lửa tại Đại học Cambridge, bà Celine Vidal lưu ý, việc xác định được niên đại chính xác hơn cần phân tích lớp tro dày lắng đọng bên trên các hóa thạch.

"Vào thời điểm đó, điều đó gần như không thể xảy ra vì tro rất mịn, gần giống như bột" - bà nói. Tuy nhiên, nhờ vào những phương pháp tinh vi hơn hiện nay, nhóm của chuyên gia Vidal đã có thể liên kết lớp tro bụi đó với một vụ phun trào lớn của núi lửa Shala.

Theo nghiên cứu mới này, tro bụi tiết lộ lớp tìm thấy hóa thạch Omo I có tuổi đời 233.000 năm, với sai số 22.000 năm.

“Đây là một bước tiến lớn về thời gian" - đồng tác giả nghiên cứu, nhà cổ nhân loại học Aurelien Mounier, cho hay.

Theo ông, độ tuổi tối thiểu mới của Omo I phù hợp hơn với các lý thuyết gần đây nhất về tiến hóa loài người.

Phát hiện cũng đưa hóa thạch này đến gần hơn với hóa thạch của người Homo sapiens cổ nhất có niên đại 300.000 năm trước được phát hiện ở Morocco năm 2017.

Hộp sọ và răng được khai quật ở Jebel Irhoud, Morocco đã đánh trúng giả thuyết lâu nay rằng con người xuất hiện từ một "cái nôi của loài người" ở Đông Phi.

Tuy nhiên, với chuyên gia Mounier, các đặc điểm vật lý cho thấy hóa thạch ở Morocco là tổ tiên của loài người ngày nay kém thuyết phục hơn so với những đặc điểm ở hóa thạch Omo I. Cụ thể, hóa thạch Jebel Irhoud được mô tả là có khuôn mặt hiện đại trong khi bộ não của hóa thạch này dù lớn nhưng lại có hình dạng giống cổ xưa hơn.

“Omo I là hóa thạch duy nhất có tất cả các đặc điểm hình thái của người hiện đại" - chuyên gia Mounier lưu ý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn