MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: TTXVN

Đôi bên cầu được, ước thấy

Ngạc Ngư LDO | 26/06/2023 15:42

Nhìn vào những biểu lộ ra bên ngoài của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì cả hai đều hài lòng đến mức độ không thể hơn được nữa về chuyến đi Mỹ của ông Modi.

Ông Modi vốn đã từng bị phía Mỹ đưa vào danh sách những đối tượng người nước ngoài bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, tức là bị Mỹ trừng phạt, nhưng bây giờ được phía Mỹ đón tiếp với nghi thức lễ tân nhà nước cao nhất. Trước ông Modi mới chỉ có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được Tổng thống Joe Biden tiếp đón trọng thị đến như vậy ở Mỹ.

Quốc hội Mỹ mời ông Modi tới phát biểu trước phiên họp chung của lưỡng viện lập pháp - Quốc hội Mỹ chỉ dành vinh dự này cho ít chính khách nước ngoài. Qua đó có thể thấy phía Mỹ công khai tranh thủ ông Modi.

Phía Ấn Độ cũng có những động thái đặc biệt thể hiện coi trọng và tranh thủ Mỹ, cũng như tạo bầu không khí chính trị thuận lợi nhất cho chuyến công du Mỹ của ông Modi. Hai bên cần nhau nên cố gắng đáp ứng yêu cầu và mong muốn của bên này đối với bên kia. Trên rất nhiều phương diện của mối quan hệ song phương, Mỹ và Ấn Độ hiện tại trong tình trạng muốn gì được nấy ở nhau.

Chuyến đi Mỹ lần này của Thủ tướng Modi vì thế chỉ có thể thành công chứ không thể thất bại và trên thực tế đã rất thành công. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cam kết đầu tư lớn vào Ấn Độ. Hợp tác về quân sự và quốc phòng, về không gian vũ trụ và sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ. Mỹ rất muốn Ấn Độ hùa vào cùng phe trợ giúp Ukraina và đối địch Nga nhưng ông Biden không làm khó ông Modi. Cả hai không nêu đích danh Trung Quốc nhưng ngầm hiểu với nhau là liên thủ cùng đối phó Trung Quốc. Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác truyền thống với Nga và luôn nhập khẩu vũ khí nhiều nhất từ Nga nhưng giờ đã dần để cho Mỹ chen chân vào thị trường Ấn Độ.

Tất cả những kết quả ấy là biểu hiện ra bên ngoài. Trong thực chất, Mỹ và Ấn Độ hiện đang coi nhau là những đối tác chiến lược lí tưởng. Hai bên coi nhau là những "nền dân chủ lớn nhất thế giới". Hai bên không những chỉ nhằm vào khai thác thị trường của nhau mà còn muốn cùng nhau khai phá và chinh phục những thị trường khác.

Mỹ là đối trọng lí tưởng đối với Ấn Độ trong quan hệ đối ngoại của Ấn Độ, đặc biệt quan hệ giữa Ấn Độ với Nga, Trung Quốc, EU và Nhật Bản. Ấn Độ là đối trọng lí tưởng của Mỹ trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Nga. Cả hai còn cùng với Nhật Bản và Australia tạo thành khuôn khổ Bộ Tứ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hai nước này đã tạo thành cặp bài trùng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và giờ muốn trở thành cặp bài trùng trong chính trị thế giới nói chung. Ông Modi và chính giới Mỹ đã ám chỉ tham vọng này khi cùng nhau quả quyết rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ thuộc diện những mối quan hệ quốc tế quyết định thế kỷ 21.

Chuyến đi Mỹ lần này của ông Modi đã đưa lại chất lượng và tầm vóc mới cho mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ.

Ấn Độ hiện là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của nhóm G20 và theo đuổi tham vọng tạo dấu ấn riêng, đặc biệt ở khuôn khổ diễn đàn này nên rất cần sự đồng hành của Mỹ, cần sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động với Mỹ để đề cao vai trò, vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới của Ấn Độ, chẳng hạn như thực hiện chủ ý thuyết phục nhóm G20 thu nạp Liên minh châu Phi làm thành viên chính thức.

Một khi Mỹ và Ấn Độ "cầu được, ước thấy" ở nhau như hiện tại, tất cả những đối tác quan trọng khác của Mỹ và Ấn Độ cũng như mọi đối thủ của họ từ nay không thể không dè chừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn