MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đội lặn đã phải đối mặt với hiểm nguy "chết người" để giải cứu đội bóng nhí Thái

Phạm Dung LDO | 12/07/2018 06:45

Với áp lực thay đổi khi ở dưới nước, các thợ lặn giải cứu đội bóng nhí Thái mắc kẹt trong hang có thể rơi vào trạng thái mê sảng bất cứ lúc nào.

Để giải cứu 12 cầu thủ của đội bóng nhí và HLV mắc kẹt tại hang Tham Luang, Thái Lan đã phải huy động hàng trăm người cho chiến dịch kéo dài gần 3 tuần, căng hết sức để tính toán phương án để đưa nạn nhân ra ngoài an toàn. Chỉ tính riêng nhóm thợ lặn đã có tới 140 người của Thái và các nước tham gia, trong đó nhóm nòng cốt 18 người được phân công kỹ lưỡng để vượt qua chặng đường nhiều hiểm trở.

Dù vẫn biết việc giải cứu sẽ vô cùng khó khăn song mọi người chỉ thực sự nhận thấy mức độ nguy hiểm của công cuộc này khi Samarn Poonan, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm SEAL của Thái thiệt mạng. Anh bị hết dưỡng khí khi đang đặt sẵn các bình oxy dọc theo một tuyến đường được cho là để giải cứu các cầu thủ bị mắc kẹt.

Chia sẻ với báo Lao Động, TS Hoàng Xuân Bền, đội trưởng đội lặn Viện Hải dương học cho biết, nhiệm vụ của các thợ lặn trong chiến dịch này không chỉ dừng lại ở khó khăn mà là nguy hiểm đến tính mạng. Việc lặn trong môi trường nước ngọt khó khăn hơn rất nhiều so với lặn trong môi trường nước mặn do trong môi trường nước ngọt, cơ thể sẽ nhẹ hơn. Bên cạnh đó, nước trong hang Tham Luang lại quá đục, cộng thêm địa hình hang ngoằn nghèo sẽ khiến cho tầm nhìn bị hạn chế, các thợ lặn phải mò mẫm, đi theo dây.

“Đối với thợ lặn thì yếu tố nguy hiểm nhất là dòng chảy, dòng chảy đẩy sẽ khiến cho thợ lặn mất phương hướng, dù có la bàn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng đến sự an toàn của người lặn”, TS Bền nói.

Khi lặn, áp lực dưới nước thay đổi, rất dễ khiến cho thần kinh bị rơi vào trạng thái hôn mê. Khi lặn xuống, các bọt khí li ti sẽ đi vào trong máu, những bọt khí nhỏ đi xung quanh hệ tuần hoàn, gặp nhau sẽ tạo ra những bọt khí to dần, chặn máu đưa lên não, khiến người lặn rơi vào tình trạng mê sảng và có thể thiệt mạng.

Được đào tạo qua khóa học lặn khoa học tại CHLB Đức, TS Bền cho biết, để huấn luyện được 1 thợ lặn khoa học phải mất 6 tháng, còn đối với thợ lặn cứu hộ thì thời gian đó có thể phải kéo dài hơn rất nhiều. Để trở thành thợ lăn thì cần phải đảm bảo sức khỏe, chiều cao, cân nặng và đặc biệt là không có bệnh liên quan đến tim mạch và thần kinh. 1 thợ lặn chỉ có thể lặn tối đa 1h đồng hồ dưới nước với các thiết bị hiện đại đi kèm.

Thiết bị lặn bao gồm 2 dạng. Đối với lặn thường, trong thời gian ngắn và độ sâu bình thường, chúng ta sẽ dùng thiết bị được nạp oxy. Trong trường hợp phải lặn sâu và thời gian dài thì phải nạp khí hydro vào bình thở để làm giảm áp, tránh tai biến lặn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn