MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại Cairo, Ai Cập, ngày 21.3. Ảnh: Xinhua

Đối tác thêm quan trọng

Ngạc Ngư LDO | 25/03/2024 11:17

Lần xung đột giữa Hamas và Israel ở dải Gaza đã làm cho Ai Cập có được vị trí quan trọng hơn trước trong chiến lược và chính sách của EU và Mỹ.

Bằng chứng mới đây nhất là EU ký kết với Ai Cập thỏa thuận về thiết lập quan hệ đối tác và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken công du tới Ai Cập.

EU và Mỹ có những động thái mới này với Ai Cập đồng nghĩa với việc không còn làm găng gì nữa với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi về cách thức ông El-Sisi lên cầm quyền ở Ai Cập khi xưa, cách thức ông duy trì quyền lực từ đó đến nay ở Ai Cập và những đường lối chính sách đối nội của ông El-Sisi bị EU và Mỹ phê phán trên phương diện dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.

Vì sao vậy? Trước hết vì Ai Cập ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông mà ở nơi đây tồn tại dai dẳng từ nhiều thập kỷ nay cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine. Ai Cập, như các nước khác trong thế giới Arab, ủng hộ Palestine nhưng lại đồng thời là quốc gia Arab đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel (năm 1979). Ai Cập cũng còn là quốc gia có vai vế trong thế giới Arab.

Về an ninh và ổn định chính trị - xã hội, Ai Cập là tác nhân quan trọng nhất ở vùng Bắc Phi. Nói theo cách khác, trong mọi giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine luôn không thể thiếu vai trò và sự can dự trực tiếp của Ai Cập. Đối với an ninh và ổn định chính trị - xã hội của khắp vùng Bắc Phi và Trung Đông cũng vậy.

Cuộc xung đột giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza đẩy Mỹ và EU vào tình thế khó xử. Họ ủng hộ Israel tiêu diệt Hamas nhưng lại không dám dung chấp cho Israel muốn tiến hành cuộc xung đột này theo cách nào cũng được. Họ đều cho rằng, giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine ở khu vực Trung Đông là hình thành nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với nhà nước Israel ở khu vực Trung Đông.

Họ đều phải tích cực hoạt động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân ở Dải Gaza. Cửa khẩu duy nhất trên bộ đi vào Dải Gaza là cửa khẩu giữa Ai Cập và Dải Gaza. Còn lại, Dải Gaza bị Israel phong tỏa hoàn toàn trên bộ và trên biển. EU và Mỹ đều có nhu cầu tranh thủ các quốc gia Arab trong khu vực. Ai Cập vì thế đóng vai trò rất then chốt đối với họ.

Ông Blinken đi Ai Cập nhằm mục đích thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa Mỹ và Ai Cập, trước hết phục vụ cho việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp ở Dải Gaza, tìm kiếm khả năng ngoại giao trung gian để có được ngừng chiến giữa Hamas và Israel, cũng như để cùng thúc ép Israel thay đổi cách thức tiến hành xung đột ở Dải Gaza và chấp nhận giải pháp chính trị hòa bình với Palestine.

Mỹ tranh thủ Ai Cập vì biết rằng, Israel không thể không coi trọng, càng không thể bỏ qua Ai Cập nếu muốn nhanh chóng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước thành viên khác của thế giới Arab trong khu vực.

EU bỏ ra hẳn 7,5 tỉ euro chi cho mối quan hệ đối tác mới với Ai Cập vì ngoài giống như Mỹ, EU còn có nhu cầu cấp thiết riêng là dựa vào Ai Cập để ngăn chặn dòng người tị nạn và di cư từ các quốc gia châu Phi và từ Dải Gaza đổ về EU. Trên phương diện này, Ai Cập giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Mauritania đối với EU.

EU đã có thỏa thuận tương tự với 3 nước này, nhưng với quy mô tài chính thấp hơn rất nhiều. Ai Cập trở nên quan trọng hơn trước đối với Mỹ và EU (đối với EU thì thêm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Mauritania nữa) vì cả Mỹ lẫn EU đều bị chuyện chính trị thời sự thế giới buộc phải để cho lý trí chế ngự tình cảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn