MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên, ông Ri Son-gwon (phải) bắt tay trưởng phái đoàn Hàn Quốc, ông Cho Myoung-gyon. Ảnh: Reuters

Đối thoại liên Triều: Khởi đầu tốt là thành công một nửa

VÂN ANH LDO | 10/01/2018 10:00
Trong cuộc đối thoại liên Triều lần đầu tiên sau 2 năm hôm 9.1 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Triều Tiên (nằm ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên) đồng ý cử phái đoàn tham gia Olympic mùa Đông ở PyeongChang, còn Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng tạm thời dỡ bỏ một số trừng phạt để tạo điều kiện thuận lợi cho phái đoàn Bình Nhưỡng.

“Nước chảy dưới lớp băng dày”

Điều đầu tiên mà giới chức hai miền Triều Tiên chia sẻ trong cuộc hội đàm hiếm hoi là thông tin về thời tiết giá lạnh, được ví như phép ẩn dụ cho mối quan hệ đóng băng trong nhiều năm qua. “Không phải quá cường điệu khi nói rằng, mối quan hệ liên Triều vẫn đóng băng, giá lạnh hơn cả thời tiết” - hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên phát biểu trước hội đàm. “Nhưng khao khát về mối quan hệ tốt đẹp hơn đã mở ra cuộc hội đàm cấp cao này, được thúc đẩy bởi một điều gì đó giống như dòng nước chảy không ngừng dưới lớp băng dày cứng” - ông Ri ví von.

Đáp lời, trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon nói, thời tiết lạnh giá và tuyết rơi dày đặc là điều kiện tốt cho Thế vận hội mùa đông. Nhưng thậm chí còn tốt hơn là “những vị khách quý” đến từ miền Bắc, những người sẽ giúp cho PyeongChang trở thành địa điểm để quảng bá hòa bình. “Người ta nói rằng, khởi đầu tốt là thành công được một nửa. Tôi hy vọng hai bên có thể đàm phán với quyết tâm và kiên trì” - ông Cho Myong-gyon nói.

Tại hội đàm, phía Triều Tiên cho biết, sẽ cử phái đoàn dự Olympic mùa đông PyeongChang vào tháng hai tới. Phái đoàn sẽ bao gồm các vận động viên, quan chức cấp cao và đội hoạt náo viên. Hàn Quốc trước đó đã đơn phương cấm một số quan chức Triều Tiên vào nước này để đáp trả việc Bình Nhưỡng thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, một số quan chức Hàn Quốc cho biết, họ xem Olympic là cơ hội để giảm căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Roh Kyu-deok nói, Seoul sẽ cân nhắc các bước đi cần thiết cùng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước liên quan để tạm thời dỡ bỏ một số trừng phạt, giúp Triều Tiên tham dự Olympic.

Cơ hội đột phá

Theo Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung, Hàn Quốc cũng đề xuất vận động viên hai nước cùng tham gia lễ khai mạc Olympic và các hoạt động chung. Trong các sự kiện thể thao quốc tế lớn trước đây, vận động viên hai miền đã từng diễu hành cùng nhau trong lễ khai mạc và bế mạc, nhưng đã ngừng từ Thế vận hội mùa Đông Châu Á 2007 ở Trung Quốc.

Sau 2 cuộc gặp vào buổi sáng, hai phái đoàn rời phòng họp ở Nhà Hòa bình và đi ăn trưa riêng. Hai bên thường không ăn cùng nhau trong các cuộc hội đàm liên Triều trước đây, bởi giờ ăn trưa là cơ hội để giới chức hai bên nhìn lại những gì đã thảo luận và tranh thủ tham vấn với các cơ quan chính phủ của hai nước.

“Triều Tiên nói họ quyết tâm đàm phán có hiệu quả và biến đàm phán thành một cơ hội đột phá” - Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung nói. Ông cũng cho biết, Hàn Quốc phía Seoul gợi ý tổ chức đoàn tụ gia đình ly tán vì chiến tranh vào Tết âm lịch trong tháng hai tới, đồng thời cũng đề xuất một số biện pháp nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước, như nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song chưa có phản ứng cụ thể từ Bình Nhưỡng.

Mặc dù vậy, theo ông Chun, phía Triều Tiên trong cuộc họp đã tỏ ý sẵn sàng thúc đẩy hòa giải giữa hai nước thông qua đối thoại và đàm phán. Trong bài phát biểu khai mạc, trưởng phái đoàn Triều Tiên Ri Son-gwon khẳng định: “Chúng tôi đến cuộc gặp ngày hôm nay với ý nghĩ đem đến cho những người anh em của chúng tôi - những người đang đặt nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại này - những kết quả vô giá như món quà đầu tiên của năm mới”.

Mặc dù vậy, phía Hàn Quốc vẫn thận trọng cho rằng, cuộc gặp ngày 9.1 mới chỉ là bắt đầu. “Khởi đầu mới chỉ là một nửa cuộc hành trình” - ông Chun nói. Tuy nhiên, theo như giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên nhận định với Yonhap thì các cuộc đàm phán cấp cao có thể được xem là thành công khi Triều Tiên đồng ý dự Thế vận hội và hai bên ấn định ngày cho cuộc họp tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn