MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trăng lạnh năm 2021 ở Công viên quốc gia Gran Sasso, Italia, ngày 19.12. Ảnh: AFP/Getty

Đón xem hiện tượng thiên văn kỳ thú trăng lạnh và sao Hỏa đêm nay

Khánh Minh LDO | 08/12/2022 10:57
"Trăng lạnh" sẽ tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đêm 8.12, cùng với hiện tượng thiên văn kỳ thú khi sao Hỏa, trái đất và mặt trời sẽ thẳng hàng.

Trăng tròn tháng 12, còn được gọi là “trăng lạnh”, sẽ đạt cực đại lúc 23h08 hôm nay. Theo EarthSky, sao Mộc, sao Thổ và sao Hỏa cũng sẽ xuất hiện trên bầu trời đêm, với một hiện tượng cực kỳ hiếm gặp là mặt trăng che khuất sao Hỏa.

Giống như hiện tượng nhật thực khi mặt trăng che khuất mặt trời, đêm nay mặt trăng sẽ "giấu" sao Hỏa trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng thiên văn kỳ thú này sẽ được nhìn thấy ở các vùng của Châu Mỹ, Châu Âu và Bắc Phi.

Ngày 7.12 đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt sứ mệnh Apollo 17 của NASA - lần cuối cùng con người đặt chân lên mặt trăng. Chuyến bay vũ trụ Apollo 17 được phóng vào ngày 7.12.1972. Đây là sứ mệnh cuối cùng trong chương trình Apollo của NASA và nâng tổng số người đã đặt chân lên mặt trăng lên 12 người. 3 thành viên phi hành đoàn, Eugene Cernan, Ronald Evans và Harrison “Jack” Schmitt, trở lại trái đất vào ngày 19.12.1972 sau sứ mệnh kéo dài 12 ngày.

Tên lửa Saturn V tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ) lúc 0h33 ngày 7.12.1972. Apollo 17 là sứ mệnh hạ cánh xuống mặt trăng cuối cùng trong chương trình Apollo của NASA. Ảnh: NASA

Do đó, trăng lạnh năm nay mang đến cho người xem cả cơ hội thưởng ngoạn mặt trăng và suy ngẫm về thành tựu khám phá không gian hoành tráng mà nhân loại đã đạt được.

“Khi bạn nhìn lên mặt trăng, bạn sẽ thấy không chỉ vẻ đẹp mà nên thấy rằng mặt trăng còn có tầm quan trọng về mặt khoa học” - Tiến sĩ Noah Petro, trưởng phòng thí nghiệm địa chất, địa vật lý và địa hóa hành tinh của NASA, cho biết.

“Không có hành tinh nào khác trong hệ mặt trời của chúng ta có mặt trăng giống như mặt trăng của chúng ta. Nó là duy nhất theo nhiều cách, và chúng ta, với tư cách là một xã hội, toàn thể nhân loại, rất may mắn khi có mặt trăng ở sân sau của chúng ta theo đúng nghĩa đen” - Tiến sĩ Petro nói.

Người bản địa Mohawk ở Bắc Mỹ gọi trăng tròn tháng 12 là “tsothohrha” hay thời điểm lạnh giá - do thời tiết lạnh giá lúc trăng lạnh xuất hiện. Giống như nhiều bộ lạc người Mỹ bản địa khác, người Mohawk theo dõi các tháng bằng cách đặt tên cho mỗi lần trăng tròn.

Mặt trăng che khuất sao Hỏa. Ảnh: AFP

Trăng tròn cuối cùng trong năm còn được gọi là "trăng trước Yule" ở Châu Âu, để đánh dấu lễ hội Yuletide (chợ giáng sinh và lễ hội ở Trung cổ York), và "trăng đêm dài" của người Mohican, do gần với đông chí (đêm dài nhất trong năm) rơi vào ngày 21.12 năm nay, theo sách The Old Farmer's Almanac.

Trăng lạnh đánh dấu sự kiện trăng tròn cuối cùng của năm nay, nhưng bầu trời tháng 12 sẽ có thêm hai trận mưa sao băng nữa. Mưa sao băng Geminids rực rỡ, đạt cực đại vào ngày 14.12, và mưa sao băng Ursids sẽ nhanh chóng theo sau và dự kiến ​​đạt cực đại vào ngày 22.12 - theo hướng dẫn về mưa sao băng năm 2022 của EarthSky.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn