MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án ITER đang được xây dựng tại Saint Paul-lez-Durance, miền nam nước Pháp. Ảnh: Website dự án ITER

Đóng góp của Trung Quốc cho mặt trời nhân tạo lớn nhất thế giới

Thanh Hà LDO | 10/11/2023 14:31

Trung Quốc đã hoàn tất việc chuẩn bị lô thiết bị hỗ trợ nam châm cuối cùng cho dự án Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER).

Tuần trước, lô hàng cuối cùng đã được vận chuyển từ thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, phía đông nam Trung Quốc đến Pháp.

ITER, được gọi là "mặt trời nhân tạo" lớn nhất thế giới, là một thí nghiệm tổng hợp hạt nhân quốc tế, đặt tại Pháp. Đây là một trong những dự án năng lượng quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới.

Trung Quốc là một trong số các đối tác trong dự án, chịu trách nhiệm phát triển và sản xuất toàn bộ hệ thống hỗ trợ nam châm - một thành phần quan trọng trong ITER.

Hệ thống nặng hơn 1.600 tấn này là một trong những thành phần an toàn kết cấu cốt lõi của ITER và là bộ phận cơ bản đầu tiên được đưa vào nhà máy để lắp đặt. Chất lượng và thời gian giao hàng của hệ thống hỗ trợ nam châm có liên quan đến sự ổn định trong vận hành và tiến độ lắp ráp của toàn bộ dự án, theo đài CGTN.

Sản phẩm hỗ trợ nam châm của Trung Quốc được giao cho dự án ITER. Ảnh: Viện Vật lý Tây Nam của CNNC

Kể từ năm 2018, Viện Vật lý Tây Nam thuộc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), có trụ sở tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên - nhà phát triển hệ thống hỗ trợ nam châm - đã chuyển hơn 30 lô sản phẩm cho dự án ITER.

Li Pengyuan - người đứng đầu dự án hệ thống hỗ trợ nam châm cho ITER - cho biết: “Hệ thống hỗ trợ nam châm chủ yếu nhằm hỗ trợ các nam châm siêu dẫn trong phản ứng tổng hợp hạt nhân giam giữ từ tính - yếu tố giống như cột trụ của một ngôi nhà”.

Ông cho biết thêm, hệ thống này đóng vai trò chống lại mọi lực điện từ nhằm đảm bảo an toàn cho lò phản ứng ITER.

Ra mắt năm 1985, dự án ITER được 7 thành viên gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ tham gia xây dựng.

Theo ông Li, chương trình xây dựng của dự án hiện đã hoàn thành được 85%.

Về đóng góp của Trung Quốc, ông Li cho biết, Trung Quốc tham gia siêu dự án vào tháng 9.2007. Trung Quốc có nhiệm vụ sản xuất hầu hết các thành phần quan trọng của thiết bị ITER, như hệ thống nam châm siêu dẫn, hệ thống cung cấp điện cuộn dây quy mô lớn và hệ thống chẩn đoán.

Địa điểm của dự án ITER ở Saint Paul-lez-Durance, miền nam nước Pháp. Ảnh: Website dự án ITER

Theo ông Li, Trung Quốc tham gia nghiên cứu và phát triển một số công nghệ lõi và thực hiện 18 nhiệm vụ trong dự án ITER. Như vậy, đóng góp của Trung Quốc trong dự án ở mức 9%.

Hơn 100 nhà khoa học Trung Quốc đã được cử sang Pháp để tham gia dự án.

“Hiện giờ chúng tôi đang dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nam châm siêu dẫn, công nghệ vật liệu, công nghệ cung cấp năng lượng và điều khiển” - ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn