MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu HMS Somerset của Hải quân Hoàng gia Anh tham gia cuộc diễn tập của JEF. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Động thái chưa từng có sau sự cố đường ống dẫn khí Baltic

Ngọc Vân LDO | 06/12/2023 18:00

Sau sự cố hư hại đường ống dẫn khí Baltic, các đối tác của Lực lượng viễn chinh chung (JEF) đã tập hợp nguồn lực để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển ở Biển Baltic.

Lực lượng viễn chinh chung (JEF) là khuôn khổ hợp tác quốc phòng đa phương do Vương quốc Anh dẫn đầu, gồm 10 thành viên: Anh, Hà Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch và Estonia.

JEF đã tiến hành diễn tập chung ở khu vực Biển Baltic nhằm tăng cường sự hiện diện và phát triển khả năng giám sát, bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển nhằm đẩy lùi các mối đe dọa.

Cuộc diễn tập được tiến hành sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps có cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng của JEF vào cuối tháng 11.2023 và đồng ý kích hoạt phương án phản ứng của JEF, bao gồm triển khai các khả năng hàng hải và hàng không trên khắp khu vực cốt lõi của JEF để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển.

Bộ trưởng Shapps giải thích: “Theo thỏa thuận lịch sử và chưa từng có này, lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Hoàng gia Anh gồm 7 tàu, được Không quân Hoàng gia hỗ trợ, tham gia diễn tập chung cùng các đồng minh từ khắp Bắc Âu để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng chung của chúng tôi trước các mối đe dọa tiềm tàng. Anh và các đối tác JEF sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ các lĩnh vực lợi ích chung. Việc thể hiện sự đoàn kết không thể lay chuyển ngày hôm nay sẽ gửi đi một thông điệp răn đe mạnh mẽ rằng chúng tôi sẵn sàng đáp lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào bằng vũ lực”.

7 tàu Hải quân Hoàng gia Anh bảo vệ cáp quang dưới biển. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Cuộc diễn tập kéo dài từ ngày 4-5.12.2023 nhằm đảm bảo sự hiện diện an ninh và tăng cường các nỗ lực chung với NATO ở khu vực Biển Baltic.

Sau sự cố đường ống dẫn khí Balticconnector, JEF quyết tâm tăng cường khả năng sẵn sàng để hỗ trợ các thành viên trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Häkkänen nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết định tăng cường sự hiện diện và kiểm soát ở Biển Baltic. Các biện pháp được quyết định trong các quốc gia JEF sẽ bổ sung cho các biện pháp do NATO, EU và chính các quốc gia thực hiện”.

Mặc dù JEF đã đưa ra một loạt phương án phản ứng trong suốt năm 2023 để ngăn chặn và bảo vệ khu vực khỏi các mối đe dọa, cũng như thiết lập phản ứng nhanh trước các cuộc khủng hoảng, nhưng cuộc diễn tập đánh dấu lần đầu tiên một phương án phản ứng của JEF được kích hoạt.

Cuộc diễn tập của các thành viên JEF. Ảnh: Các lực lượng vũ trang Na Uy

Vào đầu tháng 10.2023, đường ống dẫn khí Balticconnector giữa Phần Lan và Estonia bị vỡ và phải ngừng hoạt động.

Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan (NBI) cho rằng một con tàu có thể đã gây ra sự cố, bởi NBI tìm thấy mỏ neo cách điểm vỡ của đường ống dẫn khí vài mét.

Do việc sửa chữa đường ống dự kiến sẽ mất ít nhất 5 tháng nên Phần Lan dự kiến sẽ phải nhập khẩu LNG để đáp ứng toàn bộ nhu cầu khí đốt của mình.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas tin rằng các sự cố gây hư hại đường ống dẫn khí Balticconnector và cáp viễn thông giữa Estonia, Phần Lan và Thụy Điển có liên quan đến nhau.

Các nhà điều hành hệ thống truyền tải khu vực (TSO) là Gasgrid và Elering đã thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường công suất đường ống và tăng cường hệ thống khí đốt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn