MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm lưu trữ và tái khí hóa nổi (FSRU) Hoegh Esperanza trong lễ khai trương nhà ga LNG ở Wilhelmshaven, Đức, tháng 12.2022. Ảnh: AP

Động thái của Mỹ khiến EU mất nguồn khí đốt huyết mạch

Song Minh LDO | 28/01/2024 08:59

Mỹ tạm dừng xuất khẩu LNG mới - nhiên liệu được coi là huyết mạch quan trọng với EU, nơi đã tự cắt đứt nhập khẩu khí đốt Nga.

RT đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tạm dừng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các dự án mới ở nước này, với lý do chúng có thể góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Chi phí năng lượng ở Tây Âu đã tăng vọt kể từ khi các quốc gia như Đức chuyển từ khí đốt Nga sang LNG của Mỹ, nhưng Tổng thống Biden khẳng định lục địa này hiện không cần thêm nguồn cung.

Việc tạm dừng sẽ cho phép Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cập nhật các hướng dẫn kinh tế và môi trường mà cơ quan này sử dụng khi phê duyệt giấy phép xuất khẩu mới và sẽ kéo dài trong vài tháng.

“Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng tác động của xuất khẩu LNG đối với chi phí năng lượng, an ninh năng lượng của Mỹ cũng như môi trường của chúng ta” - Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 26.1. Tổng thống nói thêm rằng việc tạm dừng để “thấy rõ bản chất của cuộc khủng hoảng khí hậu - mối đe dọa hiện hữu của thời đại chúng ta”.

Theo Nhà Trắng, gần một nửa lượng xuất khẩu LNG của Mỹ đã đến Tây Âu vào năm ngoái và Mỹ đã vượt mục tiêu giao hàng hàng năm cho EU trong hai năm qua.

“Thông báo hôm nay sẽ không ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục cung cấp LNG cho các đồng minh của chúng tôi trong thời gian tới” - ông Biden lưu ý.

Châu Âu vẫn sa lầy trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các nhà lập pháp vào tuần trước rằng, Đức - nước từng là cường quốc công nghiệp của lục địa già - đang “ở trong tình thế đặc biệt khó khăn” sau khi từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraina, Đức nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt Nga. Việc thay thế nhiên liệu này bằng LNG từ Mỹ, cũng như năng lượng từ Na Uy và Hà Lan, đã phải trả giá đắt khi chính phủ Đức buộc phải tung ra các gói trợ cấp lớn để ngăn chặn các công ty công nghiệp lớn nhất rời khỏi đất nước.

Sản lượng công nghiệp của Đức giảm 2% trong năm ngoái, trong khi toàn bộ nền kinh tế giảm 0,3% - Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho hay. Văn phòng đổ lỗi cho sự suy giảm này là do lạm phát cao, giá năng lượng tăng cao và nhu cầu nước ngoài yếu.

LNG được vận chuyển trên các tàu chở dầu lớn đến các nhà máy tái hóa khí, được làm nóng để đưa trở lại trạng thái khí.

Đức đã gấp rút đưa ba nhà máy ngoài khơi như vậy vào hoạt động kể từ đầu năm 2022 và có kế hoạch mở thêm ba nhà máy nữa trong những tháng tới.

Mỹ cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng xuất khẩu LNG để đáp ứng nhu cầu, bao gồm dự án Calcasieu Pass 2 ở Louisiana, nơi từng được chứng nhận sẽ là cảng xuất khẩu lớn nhất quốc gia.

Dự án Calcasieu Pass 2. Ảnh: Venture Global LNG

Cơ sở Calcasieu Pass 2 có thể sẽ được DOE phê duyệt trong những tuần tới, nhưng dự kiến sẽ bị đình trệ vô thời hạn do quyết định tạm dừng của ông Biden.

Với một nửa sản lượng của cơ sở này sẽ đến Đức, người phát ngôn của nhà phát triển dự án, Venture Global, nói với Reuters, việc tạm dừng sẽ gửi “tín hiệu tàn khốc đến các đồng minh của chúng tôi rằng họ không còn có thể dựa vào Mỹ nữa”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn