MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ

Động thái của Nga làm Mỹ cạn kiệt dầu

Khánh Minh LDO | 15/02/2023 07:47
Mỹ tiếp tục xuất kho dầu dự trữ chiến lược để bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng dầu của Nga, dù dự trữ đang cạn kiệt.

Ngày 13.2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ tiếp tục bán 26 triệu thùng dầu thô theo lịch trình từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của đất nước. Động thái này diễn ra sau khi Nga thông báo sẽ cắt giảm sản lượng nửa triệu thùng dầu mỗi ngày vào tháng tới - RT đưa tin.

Người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết việc xuất kho dự trữ đã được Quốc hội ủy quyền và phù hợp với các chỉ thị ngân sách cho năm tài chính hiện tại. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden đã bán kỷ lục 180 triệu thùng dầu thô từ SPR trong nỗ lực kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao.

Tuy nhiên, Bộ Năng lượng trước đó đã xem xét hủy bỏ kế hoạch bán 26 triệu thùng trong năm tài chính này để bổ sung dự trữ khẩn cấp sau khi mức giảm kỷ lục năm ngoái khiến SPR giảm xuống chỉ còn 371 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1983. Việc bán thêm sẽ làm giảm dự trữ xuống còn khoảng 345 triệu thùng.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết, ông Biden xuất kho dự trữ sớm để tránh giá xăng tăng đột biến vào mùa hè. "Chính quyền Washington ngày càng lo ngại giá xăng sẽ quay trở lại mức 4 USD/gallon và tổng thống lo sợ về sức nóng chính trị mà ông ấy sẽ phải gánh chịu” - ông Flynn nói.

Giá xăng niêm yết tại một trạm xăng ở Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 31.3.2022. Ảnh: Xinhua

Đợt xuất kho mới nhất được đưa ra sau khi Nga tiết lộ kế hoạch giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5%, vào tháng tới để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhiều nhà phân tích coi động thái xuất kho của chính quyền Mỹ là một biện pháp bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng của Mátxcơva.

Mỹ đang tìm cách mua lại dầu để dự trữ khẩn cấp khi giá ổn định ở mức khoảng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu WTI đã tăng vọt lên gần 80 USD/thùng sau thông báo của Nga.

Một số nhà kinh tế cũng tin rằng EU đã đánh giá thấp tầm quan trọng của việc cắt giảm sản lượng của Nga, diễn ra vào thời điểm phục hồi kinh tế nhanh chóng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở Trung Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn