MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong hơn 20 năm, Nigeria cố gắng xây đường ống dẫn khí qua sa mạc Sahara. Ảnh: MENA Affairs

Dự án đường ống dẫn khí mới đến châu Âu có nguy cơ thất bại

Ngọc Vân LDO | 15/02/2024 16:30

Dự án đường ống dẫn khí mới đến châu Âu có nguy cơ tan thành mây khói do các vấn đề kinh tế và an ninh đang gia tăng.

Trong hơn 20 năm, Nigeria đã cố gắng xây dựng một đường ống dẫn khí đốt qua sa mạc Sahara đến Algeria và đến khách hàng ở châu Âu.

Đường ống được kỳ vọng sẽ giúp tăng xuất khẩu khí đốt và mang tiền về kho bạc nhà nước Nigeria. Kế hoạch này được thúc đẩy vào năm 2021 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina khiến châu Âu phải tranh giành các nguồn khí đốt thay thế trong ngắn hạn.

Nhưng hiện nay, khi nhiều vấn đề xuất hiện hơn, các chuyên gia đang đặt câu hỏi về sự khôn ngoan khi đầu tư số tiền lớn vào dự án.

Nhu cầu khí đốt của châu Âu đang giảm và có thể sẽ ngày càng được đáp ứng bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar.

Trong khi đó, trộm cắp khí đốt từ các đường ống vẫn còn là một vấn đề nan giải vì miền bắc Nigeria và Niger - nơi đường ống sẽ đi qua - ngày càng trở nên bất an hơn.

Theo trang Climate Home, chính phủ Nigeria đã chi hơn 1 tỉ USD cho đường ống ở khu vực của mình và có kế hoạch đầu tư thêm 1 tỉ USD nữa. Các chuyên gia lo ngại, phần lớn số tiền này có thể bị lãng phí.

Ademola Henry là cố vấn độc lập cho ngành dầu khí. Ông cảnh báo rằng đường ống có thể trở nên không khả thi về mặt kinh tế trước khi hết tuổi thọ dự kiến.

Ông lưu ý, nếu điều này xảy ra, chính phủ có thể phải tăng vay nợ, tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu để bù đắp tổn thất.

Đường ống dẫn khí xuyên Sahara (màu đỏ). Ảnh: Wiki

Chukwumerije Okereke là giáo sư về quản trị khí hậu toàn cầu và chính sách công tại Đại học Bristol (Anh). Ông cho biết, đường ống “có thể mang lại lợi nhuận và lợi ích kinh tế xã hội cho người dân”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nạn trộm cắp khí đốt và tình trạng mất an ninh ở Niger “có thể đặt ra những thách thức đáng kể”. Niger đã trải qua cuộc đảo chính quân sự vào năm ngoái và chính phủ mới đã rút khỏi Tổ chức Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (Ecowas), một liên minh chính trị khu vực. Điều này “làm phức tạp thêm tình hình”, Okereke nói.

Ông cho biết, chính phủ phải xem xét kỹ lưỡng bất kỳ khoản đầu tư nào vào lĩnh vực này, đặc biệt là với các cam kết toàn cầu về tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và nguồn tài nguyên dồi dào của Nigeria như năng lượng mặt trời.

Đường ống dẫn khí xuyên Sahara là dự án chung giữa Nigeria, Algeria và Niger. Kế hoạch là xây dựng một đường ống dài 4.000 km để vận chuyển tới 30 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ Nigeria, qua Niger, đến Algeria, nơi đường ống này sẽ kết nối với các đường ống hiện có qua Địa Trung Hải đến châu Âu.

Với sự dẫn đầu của các công ty dầu khí nhà nước Nigeria và Algeria, ban đầu đường ống dự kiến khai trương vào năm 2015 nhưng không có tiến triển nào từ năm 2009 đến năm 2019.

Năm 2019, đường ống bắt đầu được nhắc đến trong các văn bản quy hoạch. Tiếp đó, ba chính phủ đã ký một thỏa thuận để đẩy nhanh quá trình này sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina khiến châu Âu phải tìm kiếm thêm nguồn khí đốt không phải của Nga.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria lúc đó là Timpire Sylva đã nói với các nhà ngoại giao của EU rằng Nigeria muốn bán cho họ nhiều khí đốt hơn, điều mà ông cho rằng sẽ “giải quyết vấn đề năng lượng ở châu Âu”.

Nhưng ông Sylva không phải là người duy nhất đưa ra lời đề nghị đó. Mỹ đã tăng cường đầu tư vào các cảng xuất khẩu để vận chuyển LNG tới châu Âu và các nơi khác.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ tiếp tục giảm do lục địa này đẩy nhanh kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Hiện tại, chỉ có đoạn đường ống ở Nigeria - được gọi là AKK - đang được xây dựng.

Okereke cảnh báo: “Nếu chính phủ Nigeria tiếp tục thực hiện một phần dự án xuyên Sahara và khởi động nó vào tháng 7 năm nay, bất chấp những bất ổn ở các quốc gia tham gia khác, sẽ có nguy cơ tài sản bị mắc kẹt - điều này có thể dẫn đến tổn thất đáng kể cho chính phủ , ảnh hưởng đến người nộp thuế”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn