MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đội quân đất nung ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Shutterstock

Dự án kinh ngạc của Trung Quốc: Khám phá lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Song Minh LDO | 16/12/2021 13:37
Các nhà khoa học Trung Quốc dự tính dùng máy dò tia vũ trụ để khám phá bí ẩn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Khám phá bí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Theo một nghiên cứu do chính phủ Trung Quốc tài trợ, các tia vũ trụ có thể giúp các nhà khảo cổ xác định chính xác buồng bí mật lưu giữ hài cốt và bảo vật của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.

Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Wiki

Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, được xây dựng bởi hàng trăm nghìn lao động trong gần 4 thập kỷ và hoàn thành vào khoảng năm 208 trước Công nguyên, theo nhà sử học đời Hán Tư Mã Thiên, người sống ngay sau thời kỳ đó.

Lăng mộ nằm dưới một gò mộ cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp. Bố cục của nó mô phỏng theo kinh đô nhà Tần là Hàm Dương được chia thành các khu nội thành và ngoại thành. Chu vi của khu vực nội thành là 2,5 km và ngoại là 6,3 km. Mộ chính nằm ở phía tây nam của nội thành và hướng về phía đông. Buồng lăng mộ chính chứa quan tài và các hiện vật chôn cất là tâm điểm của quần thể kiến ​​trúc lăng mộ.

Với tổng diện tích gấp 70 lần Tử Cấm Thành, đây là lăng mộ lớn nhất từng được xây dựng cho một cá nhân trên thế giới.

Bề mặt của mộ không còn vững chãi, nhưng các cấu trúc dưới lòng đất hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Một số nhà khảo cổ học tin rằng, buồng trung tâm đặt quan tài của Tần Thủy Hoàng và hầu hết các kho báu có giá trị vẫn không bị xáo trộn.

Nghiên cứu do chính phủ Trung ương tài trợ để đánh giá tính khả thi của dự án cho thấy cần ít nhất hai thiết bị dò tia vũ trụ đặt ở các vị trí khác nhau dưới bề mặt mộ khoảng 100 mét.

Những thiết bị này, có kích thước bằng một chiếc máy giặt, có thể phát hiện các hạt hạ nguyên tử (subatomic particle) có nguồn gốc vũ trụ xuyên qua mặt đất.

Tờ SCMP dẫn lời giáo sư Liu Yuanyuan và các đồng nghiệp của bà tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết, dữ liệu này sẽ cho phép các nhà khoa học xác định những cấu trúc ẩn không nhìn thấy. Nghiên cứu đã được công bố trên Acta Physica Sinica, tạp chí chính thức của Hiệp hội Vật lý Trung Quốc hôm 13.12.

Vào những năm 1970, hơn 8.000 đội quân đất nung - đội quân bảo vệ Tần Thủy Hoàng ở thế giới bên kia - được tìm thấy chôn cất cách xa trung tâm lăng mộ.

Đội quân đất nung bảo vệ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Wiki

Sau nhiều thập kỷ khảo sát, các nhà khảo cổ đã xác nhận sự tồn tại của một cung điện dưới lòng đất cao hơn 30m. Họ cũng tìm thấy bằng chứng dấu vết chứng minh những mô tả của Tư Mã Thiên vốn bị coi là truyện cổ tích, chẳng hạn như các hồ và đường nước chứa đầy thủy ngân để mô phỏng các con sông và biển lớn của Trung Quốc.

Nhưng cấu trúc chi tiết của cung điện và vị trí chính xác của phòng hoàng đế vẫn chưa chắc chắn. Các mô tả khác của Tư Mã Thiên - chẳng hạn như bẫy trang bị cung tên và nỏ để bắn bất cứ ai vào lăng mộ - không được xác minh.

Ứng dụng tia vũ trụ trong khảo cổ học

Sử dụng tia vũ trụ trong khảo cổ học là một khái niệm đã có từ những năm 1960. Các nhà vật lý thiên văn phát hiện ra rằng, các tia vũ trụ có thể va vào các phân tử không khí và tạo ra một loại hạt được gọi là "muon" (hạt cơ bản tương tự như electron) có thể xuyên qua hầu hết mọi thứ.

Hạt muon có cơ hội bị hấp thụ cao hơn khi đi qua các vật liệu dày đặc hơn. Bằng cách so sánh số lượng hạt muon mà một máy dò nhận được từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khảo cổ có thể phát hiện ra những cấu trúc rỗng, chẳng hạn như các khoang hoặc lối đi ẩn trong một tòa nhà.

Nhưng ý tưởng chủ yếu vẫn là lý thuyết vì các hạt muon không dễ phát hiện. Và trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã phải dựa vào các thiết bị cồng kềnh, lớn như một căn phòng, khiến cho việc ứng dụng thực địa trở nên khó khăn.

Trong những năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong vật lý hạt, kích thước của máy dò tia vũ trụ đã thu nhỏ đáng kể. Năm 2017, một nhóm khảo cổ ở Ai Cập đã phát hiện ra một căn phòng dài 30 mét trong kim tự tháp 4.500 năm tuổi bằng một thiết bị di động.

“Là nền văn minh cổ có lịch sử lâu đời, Trung Quốc có một số lượng lớn các di tích văn hóa cần được nghiên cứu cấp thiết. Hình ảnh nhờ hạt muon có thể là một bổ sung quan trọng cho các phương pháp địa vật lý truyền thống” - Liu và các đồng nghiệp cho biết trong bài báo nghiên cứu.

Dự án có khả thi?

Yang Dikun, trợ lý giáo sư địa vật lý của Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở Thâm Quyến, người không tham gia vào dự án nhưng quen thuộc với công nghệ, cho biết dự án này rất khả thi.

Ông nói: “Máy dò muon mà chúng tôi chế tạo và sử dụng để điều tra thực địa ngày nay đã trở nên quá nhỏ bé, nó có thể mang theo bên người.

Yang cho hay các nhà khảo cổ đã cố gắng lập bản đồ lăng mộ bằng các phương pháp khác. Máy dò dị thường trọng lực có thể phát hiện các chất có mật độ khác nhau nhưng phạm vi của nó bị giới hạn trong một khu vực nhỏ và độ chính xác của nó có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các nhiễu động môi trường. Trong khi đó, tín hiệu điện từ nhạy cảm nhất với các cấu trúc có chứa kim loại và radar xuyên đất chỉ tiếp cận được đến độ sâu hạn chế.

Tuy nhiên, cách tiếp cận tia vũ trụ không phải là không có thách thức. Theo Yang, các thiết bị dò tìm phải được đặt ở độ sâu thích hợp mà không ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc đồ tạo tác bên trên.

Máy dò tia vũ trụ (chấm đỏ) sẽ được đặt dưới bề mặt lăng mộ khoảng 100 mét. Ảnh: Đại học Sư phạm Bắc Kinh

Và không giống như các phương pháp phát hiện khác có thể thu được kết quả gần như ngay lập tức, các máy dò muon phải ở vị trí đủ lâu mới có thể thu thập đủ số lượng hạt để phân tích.

Mô phỏng máy tính do nhóm của Liu thực hiện cho rằng có thể mất một năm để thu thập đủ dữ liệu nhằm tạo ra hình ảnh rõ nét.

Không rõ liệu - hoặc khi nào - dự án sẽ nhận được sự đồng ý của chính phủ để tiến hành. Liu và các đồng nghiệp của bà cho biết một số chi tiết kỹ thuật, chẳng hạn như số lượng và vị trí chính xác của các máy dò, cần được đánh giá và tối ưu hóa thêm.

Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực nghiên cứu tia vũ trụ, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực này đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.

Chẳng hạn, nhóm của Liu là một trong những nhóm nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm Cận Bình, cơ sở phát hiện tia vũ trụ sâu nhất thế giới - ở độ sâu hơn 6.000 mét dưới lòng đất - để nghiên cứu vật chất tối.

Vào tháng 5, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra ánh sáng mạnh nhất từng được ghi nhận trong vũ trụ bằng máy dò tia vũ trụ nhạy nhất, lớn nhất thế giới trên đỉnh núi cao 4.410 mét ở huyện Đạo Thành, tỉnh Tứ Xuyên.

Bảo tồn lăng mộ hoàng đế Trung Quốc

Tần Thủy Hoàng (18.2.259 - 11.7.210 trước Công nguyên) là vị vua thứ 36 của nước Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến quốc vào năm 221 trước Công nguyên.

Ông lên ngôi Tần vương năm 13 tuổi và trở thành hoàng đế năm 38 tuổi. Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời nhà Thương và nhà Chu, để đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa và chứng tỏ nhà Tần còn vĩ đại hơn các triều đại trước, ông tự tạo ra một danh hiệu mới là "Hoàng đế" và tự gọi mình là Thủy Hoàng đế.

Sau khi thống nhất Trung Hoa, ông và thừa tướng Lý Tư đã thông qua một loạt cải cách lớn về kinh tế và chính trị, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước kia, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ.

Tần Thủy Hoàng đã tiến hành nhiều đại dự án, bao gồm việc xây dựng trường thành ở phương bắc, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành, kênh Linh Cừ, cung A Phòng, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bảo vệ bởi đội quân đất nung, chinh phạt phương Nam để mở rộng lãnh thổ.

Những chính sách này đặt nền móng thống nhất lâu dài cho nước Trung Hoa rộng lớn sau gần 500 năm chia cắt và chiến tranh liên miên, nhưng với cái giá phải trả là rất nhiều mạng người và sự lao dịch mệt nhọc, nỗi oán hận của người dân.

Khi việc xây dựng lăng mộ hoàn thành, tất cả công nhân và thợ thủ công đều bị mắc kẹt và bị giết để giữ bí mật bên trong, theo Sima.

Đội quân đất nung bảo vệ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Wiki

Hầu hết các lăng mộ hoàng gia ở Trung Quốc đã bị cướp hoặc hư hại, nhưng một số ít vẫn còn nguyên vẹn, bao gồm lăng mộ của Võ Tắc Thiên, Hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị, sau trở thành Hoàng đế triều đại Võ Chu, người trị vì khi nền văn minh Trung Hoa cổ đại đạt đến đỉnh cao.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã mở một lăng mộ hoàng gia của triều đại nhà Minh (1368-1644) ở Bắc Kinh vào những năm 1950 và chứng kiến ​​những vật liệu quý như lụa và giấy bị phân hủy ngay sau khi tiếp xúc ánh sáng ngoài trời.

Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã có chính sách nghiêm ngặt cấm tiếp cận những địa điểm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn