MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nắng nóng ở Bangkok, Thái Lan ngày 5.3.2024 với nhiệt độ lên đến 36 độ C. Ảnh: Xinhua

Dự báo nắng nóng khốc liệt hơn, nhiệt độ cao hơn trong mùa hè 2024

Ngọc Vân LDO | 21/04/2024 08:04

Các dự báo thời tiết mới nhất chỉ ra, nắng nóng sẽ gay gắt, kéo dài hơn với những kỷ lục bị phá vỡ trong mùa hè này.

Trong tháng 4, nhiệt độ tăng vọt ở Việt Nam, Philippines, Campuchia, Singapore và nhiều nước châu Á khác. Tại Thái Lan, cơ quan y tế đã cảnh báo về nguy cơ say nắng trong dịp lễ hội Songkran, khi khách du lịch và người dân địa phương đón mừng năm mới của người Thái.

Tại Việt Nam, tình trạng thiếu nước ngọt và nước mặn tràn vào khi các con sông cạn kiệt đã khiến giới chức phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ở Indonesia, người dân địa phương xếp hàng dài để mua gạo giá rẻ do một dự án của chính phủ cung cấp khi giá thị trường tăng vọt.

Myanmar cũng không tránh khỏi tình trạng thời tiết khô hạn khi các quan chức cảnh báo rằng nhiệt độ ban ngày cao hơn mức trung bình ở một số vùng từ 3 đến 4 độ C. Hãng tin độc lập The Irrawaddy cho hay, hơn 100 người, chủ yếu là nam giới ở độ tuổi 40, đã bất tỉnh vì nắng nóng trong tuần đầu tiên của tháng 4.

Hàng nghìn trường học ở Philippines chuyển sang hình thức học từ xa để tránh những lớp học kém thông thoáng. Tại Singapore, chính quyền cho phép học sinh mặc đồ thể thao đến lớp. Một nghiên cứu của Harvard chứng minh rằng việc tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ làm suy giảm khả năng học tập của học sinh.

Nắng nóng được dự báo gay gắt hơn trong mùa hè 2024. Ảnh: AFP

Tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia, nắng nóng cũng không kém phần gay gắt. Quỹ khẩn cấp trẻ em quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Campuchia đã nhắc nhở các bậc cha mẹ và người giám hộ giữ cho trẻ vị thành niên đủ nước và tránh xa ánh nắng mặt trời vì trẻ em dễ bị say nắng hơn.

Cơ quan khí hậu EU Copernicus cho biết, tháng 3 năm ngoái là tháng thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ nóng kỷ lục. Thời tiết trên khắp thế giới cũng ấm hơn bất kỳ tháng 3 nào trước đó, với nhiệt độ bề mặt trung bình là 14,4 độ C.

Các chuyên gia cho rằng, sóng nhiệt sẽ phổ biến hơn trong thời gian tới do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Cho đến nay, làn sóng nắng nóng hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc ở Đông Nam Á, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới khi nhiệt độ tăng cao.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, có 90% khả năng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm tính đến tháng 6.2024. Một số nơi sẽ nóng nực hơn những nơi khác, đặc biệt là ở một số khu vực ở châu Á. Sức nóng có tác động theo tầng, như làm tăng nguy cơ hạn hán và cháy rừng.

Nguyên nhân là do hiện tượng thời tiết El Nino. El Nino là một phần của hiện tượng tự nhiên, có tính chu kỳ, nhưng biến đổi khí hậu càng làm tăng nguy cơ nắng nóng khi đẩy nhiệt độ lên cao hơn.

Deliang Chen, một trong những tác giả của nghiên cứu mới và là giáo sư tại Khoa Trái đất, Đại học Gothenburg cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng kiểu nóng lên này có thể gây ra nhiều rắc rối trên thế giới, vì vậy chúng tôi muốn cảnh báo mọi người”.

Các nhà dự báo thời tiết đã báo trước sự tàn phá mà El Nino có thể gây ra. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, cùng với biến đổi khí hậu, nó sẽ “đẩy nhiệt độ toàn cầu vào vùng lãnh thổ chưa được khám phá”. Không có gì đáng ngạc nhiên, năm 2023 lại trở thành năm nóng nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi chép vào năm 1850 - với nhiệt độ không chính thức được cho là nóng nhất trong ít nhất 100.000 năm qua.

Nhiệt độ ở Bangkok, Thái Lan ngày 3.4.2024 lên đến 43 độ C. Ảnh: Xinhua

Theo nghiên cứu mới, El Nino mạnh cũng sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trên khắp vùng Caribe, Biển Đông, Amazon và Alaska trong năm nay.

Vùng Caribe, Biển Đông và Vịnh Bengal đều có thể phải đối mặt với các đợt nắng nóng trên biển quanh năm theo kịch bản khắc nghiệt hơn này.

Hạn hán nghiêm trọng có thể gây ra cháy rừng ở Amazon, trong khi nhiệt độ cao ngất ngưởng có thể đẩy nhanh tốc độ biến mất sông băng và lớp băng vĩnh cửu ở Alaska. Trước đó, El Nino mạnh đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hàng nghìn tỉ USD.

May mắn thay, thế giới có thể tránh được một đòn tấn công trong năm nay với hiện tượng El Nino ở mức vừa phải khi chuyển tiếp sang giai đoạn La Nina. Nhưng ngay cả điều đó cũng được cho là đủ để đẩy thế giới vượt qua kỷ lục mới về nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu vào tháng 6.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn