MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự báo những điểm nóng của Châu Á năm 2022: Kinh tế có hồi phục hậu COVID-19?

Diệp Minh LDO | 02/01/2022 08:00
2022 sẽ là một năm nhiều sóng gió với khu vực Châu Á, tuy nhiên, triển vọng hồi phục sau đại dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào những tháng cuối năm.

Các chuyên gia của Nikkei Asia nhận định diễn biến đại dịch COVID-19 sẽ chưa sớm được cải thiện trong năm 2022. Khu vực Châu Á cũng sẽ rơi vào thế kẹt giữa cuộc đối đầu tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc.

Số ca mắc COVID-19 mới sẽ giảm?

Dù sắp bước sang năm COVID-19 thứ ba, các chuyên gia của Nikkei Asia cho rằng vẫn còn quá sớm để lạc quan về khả năng dịch bệnh sớm chấm dứt.

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron cuối tháng 11 đã làm đảo lộn kế hoạch của nhiều quốc gia. Các dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có khả năng lây lan và kháng vaccine mạnh hơn nhiều so với biến chủng Delta, đồng nghĩa số người có nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chủng Omicron đã được phát hiện tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca mắc mới mỗi ngày tăng gấp đôi chỉ sau từ 1,5-3 ngày có ca Omicron lây nhiễm trong cộng đồng.

Omicron là lời cảnh báo cho nhân loại một biến chủng mới, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trừ khi người dân khắp thế giới được tiêm đủ liều vaccine.

"Nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ca COVID-19 trong năm 2022. Nhưng nếu các quốc gia phối hợp bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng, chúng ta có thể giảm thiểu sự tàn phá của dịch bệnh và chung sống an toàn với virus", Nikkei Asia bình luận. 

Chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn?

Các chuyên gia có chung nhận định nguồn cung chip bán dẫn và linh kiện điện tử sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2022 bởi năng lực sản xuất của các công xưởng Châu Á chưa được khôi phục ít nhất tới cuối năm sau.

Tuy nhiên, nguồn cung một số loại chip và linh kiện đã được cải thiện kể từ tháng 11 vừa qua. Ví dụ, Apple đã yêu cầu các nhà cung ứng tăng tốc sản xuất từ nay cho tới Tết Âm lịch nhằm bù đắp thời gian nguồn cung thiếu hụt trước đây.

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển ở Châu Á, Châu Âu và châu Mỹ cũng góp phần làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ kéo dài trước khi được cải thiện vào cuối năm 2022.

Giá dầu thô khó vượt 150 USD

Năm 2021 chứng kiến giá hàng hóa toàn cầu tăng phi mã do lạm phát, tạo ra tâm lý lo sợ giá dầu có thể tăng nóng trong năm 2022 do nguồn cung sụt giảm.

Tổ chức Năng lượng Quốc tế cho biết ngành dầu thô cần được đầu tư để có thể duy trì sản lượng. Nếu không được hỗ trợ, sản lượng khai thác có thể giảm từ 8-9% mỗi năm.

Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ không hứng thú với việc đầu tư thêm nguồn lực. Các nhà đầu tư ngắn hạn cũng do dự trước viễn cảnh nền kinh tế thế giới đang đặt mục tiêu xanh - sạch hơn.

Các chuyên gia của Morgan Stanley nhận định trong khi mức độ đầu tư cho ngành dầu mỏ đã sụt giảm với giả định các quốc gia cắt giảm phát thải khí carbon, tuy nhiên "nhu cầu thực sự về dầu và khí đốt" lại đi theo hướng ngược lại do chưa có nguồn năng lượng thay thế phù hợp.

Trong bối cảnh ngành khai thác dầu mỏ không được đầu tư trong thời gian dài, thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn có thể xảy ra.

"Rủi ro giá dầu vượt 150 USD/thùng là không cao nhưng vẫn có thể xảy ra", Tatsufumi Okoshi, chuyên gia tập đoàn tài chính Nomura, cảnh báo.

Dù vậy, các chuyên gia có chung nhận định nhu cầu xăng dầu trong dài hạn sẽ dần giảm xuống.

Khoảng 70% lượng tiêu thụ xăng dầu phục vụ nhu cầu giao thông. Hiện nay, các nhà sản xuất ôtô đã bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất phương tiện chạy bằng điện. Ông Okoshi cho rằng nếu giá dầu bất chợt tăng cao, đây cũng sẽ chỉ là hiện tượng ngắn hạn.

Có thêm lãnh đạo nữ ở Châu Á?

Kết thúc năm 2021, Châu Á - Thái Bình Dương có 4 vị nữ nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo đất nước, gồm Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Tổng thống Nepal Bidhya Devi Bhandari, Tổng thống Singapore Halimah Yacob và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina.

Trong năm 2022, hai chính trị gia Châu Á có thể sẽ được thêm vào danh sách nói trên là Leni Robredo và Sim Sang Jung. Đây là hai ứng cử viên nữ duy nhất tham gia bầu cử tổng thống lần lượt tại Philippines và Hàn Quốc.

Tổng tuyển cử tại Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 9.3.2022. Bà Sim là đại diện của đảng Công lý. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Sim đang gặp nhiều bất lợi trước các đại diện của đảng Dân chủ cầm quyền và đại diện của đảng Quyền lực nhân dân.

Trong khi đó, bà Robredo được đánh giá đang có triển vọng khả quan trong cuộc bầu cử dự kiến tổ chức ngày 9/5/2022. Tỉ lệ ủng hộ của nữ ứng viên đảng Tự do đang tăng cao, một phần nhờ sự bất bình của cử tri với cách thức ứng phó dịch bệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Với phong cách quyết liệt, cùng cam kết phá bỏ "nền chính trị già nua, mục ruỗng", bà Robredo đã gây được tiếng vang đặc biệt với giới trẻ.

Dù vậy, thăm dò dư luận cho thấy bà Robredo hiện vẫn chỉ xếp thứ 2, sau cựu nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn