MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh vệ tinh bão Beryl sáng 29.6. Dự báo Beryl sẽ mạnh lên thành siêu bão vào ngày 1.7. Ảnh: NOAA

Dự báo siêu bão đầu tiên hình thành ngày mai, mạnh lên chỉ sau 24 giờ

Ngọc Vân LDO | 30/06/2024 08:20

Áp thấp nhiệt đới thứ 2 của mùa bão 2024 khiến các nhà dự báo bão kinh ngạc khi mạnh lên thành bão cuồng phong chỉ sau 24 giờ và dự kiến thành siêu bão vào ngày mai.

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho hay, bão nhiệt đới Beryl đã trở thành bão cuồng phong vào chiều 29.6 theo giờ địa phương và dự kiến ​​trở thành siêu bão nguy hiểm vào ngày 1.7.

Beryl là cơn bão thứ hai trong mùa bão Đại Tây Dương và sẽ là siêu bão đầu tiên trong năm 2024, hiện cách Barbados khoảng 1.158 km phía đông-đông nam, với sức gió duy trì tối đa 120 km/h.

Dự báo bão Beryl sẽ mạnh lên nhanh chóng khi nó tiếp tục di chuyển nhanh về phía tây với tốc độ 33 km/h - theo tin bão của NHC hồi 17h ngày 29.6 theo giờ miền Đông Mỹ.

Các chuyên gia dự báo bão và nhà khí tượng học đã bị sốc khi bão Beryl tiếp tục mạnh lên nhanh chóng ở vùng nhiệt đới Đại Tây Dương sớm hơn nhiều so với các cơn bão thường xảy ra. Nhiệt độ đại dương ấm kỷ lục giúp bão Beryl làm nên lịch sử.

Trong vòng 24 giờ sau khi hình thành áp thấp nhiệt đới, gió của Beryl đã đạt cường độ bão cuồng phong là 120 km/h vào 17h ngày 29.6.

NHC cho hay, các điều kiện thuận lợi sẽ giúp Beryl nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão - với tốc độ gió lên tới 185 km/h khi nó đến Barbados và rìa các hòn đảo giáp phía đông Caribe vào sáng 1.7 và tốc độ gió thậm chí lên đến 193 km/h vào tối 1.7.

Nguyên nhân là do sau khi di chuyển vào vùng biển Caribe, bão sẽ gặp một vùng nước khác có nhiệt độ lịch sử ấm áp vào đầu mùa hè.

Brian McNoldy, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Trường Rosenstiel của Đại học Miami, cho biết, nhiệt độ vùng biển Caribe hiện tại ngang bằng với nhiệt độ của ngày 10.9.

Nhiệt độ đại dương ấm áp tiếp tục xu hướng phá kỷ lục bắt đầu vào tháng 5 năm 2023. McNoldy gọi nhiệt độ nước biển tháng 6 của khu vực thường xảy ra bão ở Đại Tây Dương là “sốc đến kinh ngạc và ngày càng sốc hơn”.

Nhiệt độ đại dương ấm kỷ lục vào ngày 28.6.2024. Ảnh: Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA)

Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024, nhiệt độ đại dương thậm chí còn nóng hơn trong hầu hết các ngày so với kỷ lục được thiết lập vào mùa hè năm ngoái. Điều đó nguy hiểm cho mùa bão vì nước ấm giống như một loại “nước tăng lực lớn”, tiếp sức mạnh cho các cơn bão, tăng độ ẩm ấm giúp cung cấp năng lượng cho cấu trúc lõi bên trong khiến bão mạnh hơn. Beryl sẽ gây ra nguy cơ mưa lớn, gió bão, nước dâng và sóng dữ.

Chuyên gia về bão John Cangialosi của NHC cảnh báo, gần bờ biển nơi Beryl đổ bộ, nước dâng sẽ kèm theo sóng lớn và có sức tàn phá lớn”.

NHC cho biết, việc theo dõi bão Beryl cùng với các cảnh báo có thể sẽ được ban hành cho các khu vực của Quần đảo Windward và phía nam Leeward.

Những người sống ở miền trung và miền tây Caribe nên theo dõi tiến trình của bão.

Ngoài bão Beryl, NHC cũng đang theo dõi thêm hai áp thấp khác ở Đại Tây Dương: một áp thấp ở Caribe có khoảng 40% khả năng phát triển thành bão nhiệt đới trong 7 ngày tới, trong khi một áp thấp ở Đại Tây Dương có 60% khả năng mạnh lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn