MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh vệ tinh bão Ida năm 2021. Ảnh: NOAA

Dự báo siêu bão tương lai có tốc độ gió hơn siêu xe nhanh nhất thế giới

Thanh Hà LDO | 25/03/2024 17:18

Khi những cơn bão trên Trái đất ngày càng mạnh, các nhà khoa học đang đề xuất tạo ra một cấp bão mới, ngoài 5 cấp theo thang đo Saffir-Simpson.

Siêu bão, sản phẩm của hiện tượng Trái đất và đại dương nóng lên, đang trở thành tiêu chuẩn chứ không còn hiếm thấy như trước đây.

Theo nghiên cứu mới từ Proceedings of the National Academy of Sciences, những cơn bão hiện dữ dội hơn các thước đo hiện tại của thang đo Saffir-Simpson.

Thang đo này đánh giá các cơn bão từ cấp 1 đến cấp 5 dựa trên tốc độ gió. Cấp bão cao nhất hiện nay, bão cấp 5, được xác định là có tốc độ gió ít nhất là 250 km/h.

Do đó, các nhà khoa học đang đề xuất thêm cấp bão mới - bão cấp 6. Bão cấp 6 sẽ có sức gió duy trì từ 300 km/h trở lên, theo đề xuất của các chuyên gia.

Michael Wehner - nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, người đồng đề xuất đặt cấp bão mới - cho biết: "Thật khó để hình dung, tốc độ đó có lẽ nhanh hơn hầu hết những siêu xe Ferrari".

Theo thang đo bão đề xuất này, kể từ năm 2013, có 5 cơn bão đủ điều kiện để xếp vào bão cấp 6:

Siêu bão Hải Yến năm 2013 tàn phá Philippines với tốc độ gió khoảng 313 km/h. Trên thực tế, vào thời điểm đó, các nhà khoa học Đài Loan (Trung Quốc) đã nhận định, cần có cấp độ bão mới để gán cho bão Hải Yến.

Ngoài Hải Yến, kể từ năm 2013 có 4 cơn bão khác đủ điều kiện để được xếp là bão cấp 6, gồm bão Patricia năm 2015 hình thành gần bờ biển Thái Bình Dương của Mexico với sức gió tối đa 346 km/h và 3 cơn bão hình thành gần Philippines năm 2016, 2020 và 2021.

Yahoo News nhận định, dường như chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi những cơn bão ở Đại Tây Dương đạt tốc độ gió mạnh tương tự.

"Chưa có cơn bão nào ở Đại Tây Dương hoặc Vịnh Mexico đạt cấp độ này nhưng những khu vực này có điều kiện thuận lợi để hình thành bão cấp 6. Thật may mắn là tới nay chưa có cơn bão nào ở cấp này" - ông Wehner cho hay.

Các nhà dự báo bão lưu ý, bão sẽ ngày càng mạnh trong quá trình nhiệt độ toàn cầu tăng cao.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong suốt lịch sử và sẽ tiếp tục xu hướng này.

Tuy nhiên, sự thay đổi của nhiệt độ toàn cầu do con người tạo ra có thể làm tăng thêm tác động tới thời tiết và các cơn bão nói chung, "giống như tiêm một liều thuốc tăng lực cho bão tố".

Khí nhà kính ngăn nhiệt từ bề mặt Trái đất xâm nhập vào không gian. Lượng nhiệt dư thừa được giữ lại Trái đất sẽ trở lại đại dương. Ước tính, đại dương đang giữ khoảng 91% tổng lượng nhiệt dư thừa.

Bão mạnh hơn khi nước biển nóng hơn. Do đó, việc khuyến nghị về một cấp bão mới để xếp hạng những cơn bão cực mạnh được xem là phù hợp, theo Yahoo News.

Thang đo Saffir-Simpson được Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ sử dụng để đo những cơn bão hình thành ở trung tâm và phía đông lưu vực bắc Thái Bình Dương và bắc Đại Tây Dương. Ở các lưu vực Australia, tây nam Ấn Độ và tây bắc Thái Bình Dương... có những thang đo bão khác nhau. Mọi thang đo bão đều có kết mở, tức là cấp bão cao nhất tính từ một ngưỡng sức gió tối thiểu chứ không có ngưỡng tối đa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn