MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm mua sắm ở Berlin, Đức, trang hoàng trước Giáng sinh 2023. Ảnh: Xinhua

Dự báo thời điểm Ấn Độ vượt Đức thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới

Linh Nhi LDO | 04/01/2024 19:47

Đức được dự báo sẽ tụt xuống vị trí thứ 5 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự tăng trưởng của cường quốc kinh tế đầu tàu EU tiếp tục chậm lại do cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), nền kinh tế Đức dự kiến tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Đức có thể mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới tính theo đồng USD danh nghĩa cho Ấn Độ vào năm 2027.

Nghiên cứu cho biết, việc Đức tụt xuống vị trí thứ 5 là do nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga để thúc đẩy sản xuất.

CEBR viết: “Đức phải đối mặt nhiều hơn với những cơn gió ngược từ phía nguồn cung trong những năm gần đây, đặc biệt là từ sự tăng giá năng lượng toàn cầu vào năm 2022. Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung năng lượng của Nga đã làm trầm trọng thêm vấn đề này”.

Theo báo cáo, việc đối mặt với cú sốc giá năng lượng đã góp phần thúc đẩy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất EU. Giá cả tăng 6,3% vào năm 2023, giảm so với mức tăng 8,7% được ghi nhận vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình gần đây.

“Lạm phát tăng cao đã góp phần làm suy yếu sức chi tiêu và hạn chế hoạt động tiêu dùng. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng” - báo cáo cho hay.

Chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức, ngày 20.12.2023. Ảnh: Xinhua

CEBR viết: “Ngoại trừ lần GDP giảm do đại dịch gây ra vào năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội của Đức dự kiến ​​sẽ giảm 0,4% trong năm 2023 - mức tăng trưởng yếu nhất của Đức kể từ năm 2009”.

Theo CEBR, nhân tố góp phần vào sự sụt giảm này là các vấn đề về nguồn cung và thắt chặt lãi suất. CEBR dự kiến nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024 với tốc độ 0,7% và tăng tốc hơn nữa vào năm 2025.

Ngoài ra, báo cáo còn cho biết, GDP toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi hiện tại, đạt 219 nghìn tỉ USD vào năm 2038, do “sự mở rộng liên tục ở các nền kinh tế kém phát triển trước đây khi họ bắt kịp và vượt qua các nước giàu có”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn