MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng trong năm 2023. Ảnh: AFP

Dự đoán thương mại lớn cho năm 2023

Thanh Hà LDO | 05/01/2023 08:03

Chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Mỹ Joe Biden trở nên tập trung hơn trong năm 2022. Năm nay, các hoạt động thương mại dự kiến là diễn tiến tiếp theo của những nỗ lực đó, theo Politico. 

Quốc hội Mỹ hối thúc theo đuổi sáng kiến thương mại mới

Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo và Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo sẽ tìm thấy điểm chung trong hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden tích cực theo đuổi các sáng kiến thương mại mới để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ, đồng thời củng cố các mối quan hệ chính sách đối ngoại, ông Jake Colvin - chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ - nhận định. 

Ông dự kiến có nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng để thúc đẩy khởi động các hiệp định thương mại có ý nghĩa với Vương quốc Anh và các đối tác quan trọng ở Tây bán cầu. 

Ông Jake Colvin cũng trông đợi Quốc hội Mỹ trong năm 2023 có hành động với các chương trình quan trọng như dự luật Thuế Hỗn hợp và Hệ thống ưu đãi tổng quát cũng như khuyến khích và giám sát sự lãnh đạo của Mỹ với nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại với Trung Quốc... 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng

Ông Francisco Sánchez - cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nhận định, trong năm 2023 căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ tăng. Ông chỉ ra, có khá nhiều hoạt động về mặt thực thi đối với Trung Quốc và Mỹ sẽ duy trì phương thức thương mại tập trung vào thực thi trong tương lai gần. 

Các ưu đãi công nghiệp thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu

2023 sẽ là năm khởi động bước tiến quan trọng nhất của nước Mỹ trong hệ sinh thái công nghệ cao, có đặc trưng là sự phát triển nhanh chóng của chuỗi cung ứng trong nước và các biện pháp an ninh quốc gia nhằm điều chỉnh mạnh mẽ hơn việc chuyển giao tài sản và công nghệ quan trọng với các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của chính quyền, bà Nazak Nikakhtar - cựu trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách về công nghiệp và phân tích  - cho hay. 

Logo của một triển lãm thương mại công nghệ tiêu dùng thường niên ở Las Vegas, Mỹ. Ảnh: AFP

Quan tâm tới bảo hộ kỹ thuật số 

Tại Mỹ, các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như thương mại kỹ thuật số sẽ nhận lại được sự quan tâm vốn rất quan trọng với khả năng cạnh tranh toàn cầu của nước này.  Cũng trong năm nay, việc đặt nền móng cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa và tận dụng thiện chí của các nhóm như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tạo ra động lực thương mại tích cực hơn, theo Jonathan McHale - phó chủ tịch phụ trách thương mại kỹ thuật số tại Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông. 

Bộ Tứ chuyển sự chú ý sang vấn đề thương mại

Đối thoại giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ được cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đề xuất lần đầu năm 2007 tập trung vào an ninh dân chủ nhưng không thành công cho đến năm 2017. Kể từ đó, Bộ Tứ có tầm quan trọng ngày càng tăng trong khu vực bất chấp sự phổ biến của các thỏa thuận 3 bên và đa phương. 

Dù trước đây nhóm Bộ Tứ tập trung vào chiến lược và an ninh, nhưng Politico cho rằng trong năm 2023 điều này có thể thay đổi khi các bộ trưởng thương mại và những quan chức khác bắt đầu triệu tập các cuộc họp bốn bên. 

Bên cạnh đó, chính quyền ông Joe Biden và các đối tác Bộ Tứ cũng đang chịu sức ép phải chứng minh rằng Bộ Tứ không phải là một nhóm quân sự, theo bà Nisha Biswal - phó chủ tịch cấp cao về chiến lược quốc tế và sáng kiến toàn cầu tại Phòng Thương mại Mỹ.

Công bằng thương mại tập trung ở các quốc gia đang phát triển

Học giả Katrin Kuhlmann tại Trung tâm Thương mại và Phát triển Toàn diện của Đại học Luật Georgetown nhận định, năm 2023 cuối cùng có thể là năm cho thương mại toàn diện và bền vững.

Với câu hỏi từ trước tới nay luôn là thương mại toàn diện và bền vững dành cho ai? Bà Kuhlmann cho hay, khi căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn hơn chiếm ưu thế và mô hình truyền thống cho các hiệp định thương mại không giải quyết được những vấn đề về phân phối, cơ hội để có đột phá là với các nền kinh tế đang phát triển và một mô hình tái cân bằng lợi ích thương mại cũng như cho phép nhiều cách tiếp cận chung hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn