MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sleipner Riser là điểm kết nối của các đường ống dẫn khí Langeled North và Langeled South nối nhà máy chế biến Nyhamna trên bờ biển phía tây của Na Uy với kho cảng Easington ở đông bắc nước Anh. Ảnh: Equinor

Dự kiến thời điểm khắc phục xong sự cố đường ống xuất khẩu khí đốt Na Uy

Thanh Hà LDO | 05/06/2024 09:24

Sự cố đường ống ở Na Uy khiến giá khí đốt châu Âu vọt tăng ngày 3.6 có thể được khắc phục xong trong ngày 6.6. Dòng khí đốt có thể nối lại từ đầu ngày 7.6.

Thông tin về sự cố đường ống sau cuộc họp với công ty dầu khí Equinor, Alfred Hansen - người đứng đầu bộ phận vận hành hệ thống tại Gassco - tiết lộ: “Dựa trên những thông tin từ nhà điều hành mỏ, đây là thời gian sửa chữa mà chúng tôi nghĩ là cần thiết để sửa xong".

Ông nói thêm, việc sửa chữa có thể mất nhiều thời gian hơn hoặc ít thời gian hơn, nhưng dự kiến không cần tới vài tuần. Gassco sẽ giữ liên lạc thường xuyên với Equinor trong suốt thời gian sửa chữa và cập nhật thời gian ngừng hoạt động trên trang web.

Giá khí đốt chuẩn tham chiếu của thị trường châu Âu - khí đốt tương lai Hà Lan - giảm nhẹ sau khi có thông tin về thời điểm sửa chữa xong sớm, giảm 4% xuống 34,93 euro/MWh vào lúc 9h25, ngày 4.6, giờ GMT.

Sự cố đường ống ở Na Uy ngày 3.6 đã đẩy giá khí đốt châu Âu cùng ngày lên mức cao nhất là 38,56 euro - mức cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

Gassco cho hay, nguyên nhân của sự cố nguồn cung khí đốt là do một vết nứt trên đường ống 5cm tại nhà giàn Sleipner Riser của Equinor.

Sự cố ngừng hoạt động ở Na Uy cũng đẩy giá khí đốt ở Mỹ và châu Á lên cao. Điều này là do lo ngại nguồn cung khí đốt có thể bị thắt chặt vào thời điểm lượng khí đốt còn lại của Nga giảm và đợt nắng nóng ở châu Á dẫn tới tăng cạnh tranh với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Mỹ là nước xuất khẩu LNG chính và việc ngừng cung cấp ở những nguồn cung khác làm tăng nhu cầu với hàng của Mỹ và từ đó đẩy giá khí đốt trong nước tăng cao.

Na Uy đã vượt Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu từ năm 2022 sau cuộc xung đột ở Ukraina. Do đó, bất kỳ sự cố ngừng hoạt động nào tại các mỏ dầu khí của Na Uy có thể là nguyên nhân dẫn đến giá khí đốt cao hơn.

Theo Tổng cục Ngoài khơi Na Uy, năm 2022, Na Uy cung cấp 26% tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở Anh và Liên minh châu Âu, trở thành nhà cung cấp lớn nhất lục địa.

Sleipner Riser là điểm kết nối ở Biển Bắc của các đường ống dẫn khí Langeled North và Langeled South nối nhà máy chế biến khí đốt Nyhamna trên bờ biển phía tây của Na Uy với kho cảng Easington ở đông bắc nước Anh. Nyhamna có khả năng xử lý tới 79,8 triệu m3/ngày, trong khi Easington có công suất 72,50 triệu m3/ngày.

Năm 2022, Na Uy vận chuyển 116,9 tỉ mét khối khí đốt tới Liên minh châu Âu và Anh thông qua hệ thống đường ống dài hơn 8.800 km, bao gồm 22 đường ống riêng lẻ do Gassco vận hành, Reuters thông tin.

Ngoài ra, khí đốt của Na Uy sản xuất tại ​​các mỏ Alvheim và Martin Linge được xuất khẩu sang Anh thông qua những đường ống dẫn khí do các nhà khai thác khác quản lý. Đường ống SAGE vận chuyển khí đốt từ Alvheim do Ancala Midstream vận hành, trong khi đường ống FUKA vận chuyển khí đốt từ Martin Linge do North Sea Midstream Partners vận hành.

Những đường ống này kết nối với 7 kho cảng tiếp nhận: Anh và Đức mỗi nước có 2 kho cảng, còn Bỉ, Đan Mạch và Pháp đều có 1 kho cảng.

Kể từ năm 2022, kho cảng Nybro trên bờ biển phía tây Đan Mạch nhận khí đốt của Na Uy thông qua đường ống Baltic (Baltic Pipe). Đường ống này đi qua Đan Mạch sau đó tiếp tục dẫn tới Ba Lan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn