MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NASA đặt mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa vào thập niên 2030. Ảnh: NASA

Đưa con người lên sao Hỏa giảm 8 triệu USD chi phí nhờ... vi khuẩn

Thanh Hà LDO | 27/10/2021 15:41

Vi khuẩn trên sao Hỏa có thể trở thành nhiên liệu tên lửa giúp NASA tiết kiệm được 8 tỉ USD khi đưa con người lên hành tinh đỏ. 

NASA có kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào những năm 2030. Tuy nhiên, việc từ sao Hỏa trở lại Trái đất có thể tốn kém tới 8 tỉ USD vì cần vận chuyển 30 tấn khí mêtan và ôxy lỏng lên hành tinh đỏ nhằm cung cấp nhiên liệu cho tên lửa quay về. 

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Georgia, Mỹ, đã đề xuất phương pháp sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên tìm thấy trên bề mặt sao Hỏa để nuôi vi khuẩn - trong đó những vi khuẩn này có thể chuyển hóa thành nhiên liệu.

Nhóm nghiên cứu muốn xây dựng các lò phản ứng quang sinh học khổng lồ trên sao Hỏa, sử dụng ánh sáng mặt trời và  carbon dioxide để tạo ra vi khuẩn lam nhằm tạo ra đường.

Một vi khuẩn E. coli được vận chuyển từ Trái đất lên sao Hỏa sau đó sẽ chuyển những loại đường đó thành thuốc phóng đặc trưng cho sao Hỏa để dùng cho tên lửa và các thiết bị đẩy khác. 

Phương pháp này không chỉ giảm đáng kể chi phí mà theo các nhà nghiên cứu, quy trình mới còn tạo ra 44 tấn ôxy sạch có thể hỗ trợ con người sống trên sao Hỏa

Lò phản ứng quang sinh học trên sao Hỏa biến vi khuẩn thành nhiên liệu tên lửa giúp NASA bớt được 8 tỉ USD chi phí gửi nhiên liệu cho các sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa. Ảnh: BOKO mobile study

Thuốc phóng trên sao Hỏa, được gọi là hợp chất 2,3-butanediol, không chỉ là một khái niệm mà đã được dùng trên Trái đất để tạo ra polyme cho sản xuất cao su. 

Wenting Sun  - phó giáo sư tại Trường Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ Daniel Guggenheim - cho biết: "2,3-butanediol đã xuất hiện từ lâu nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sử dụng làm thuốc phóng. Sau khi phân tích và nghiên cứu thử nghiệm sơ bộ, chúng tôi nhận ra rằng nó thực sự là một ứng viên tốt". 

Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature Communications phác thảo quá trình sẽ xảy ra trên sao Hỏa, bắt đầu từ việc vận chuyển các vật liệu nhựa có thể tạo ra các lò phản ứng quang sinh học có kích thước bằng sân bóng đá trên sao Hỏa. 

Lò phản ứng quan sinh học trên sao Hỏa gồm 4 module, trong đó có khu vực dùng phát triển khuẩn lam. 

Nhóm nghiên cứu nhận thấy chiến lược này sử dụng ít năng lượng hơn 32% so với phương án hiện tại là vận chuyển khí mêtan từ Trái đất và sản xuất ôxy thông qua xúc tác hóa học.

Pamela Peralta-Yahya - một thành viên của nhóm nghiên cứu,  là phó giáo sư tại Trường Hóa học & Hóa sinh học cho biết, phương pháp này cần ít năng lượng hơn rất nhiều cho việc cất cánh trên sao Hỏa và những hóa chất đó cũng không được thiết kế để phóng tên lửa trên Trái đất.

Lịch trình của NASA về thời điểm đưa con người lên sao Hỏa đã thay đổi trong suốt nhiều năm bởi các sứ mệnh phụ thuộc rất nhiều vào việc đưa con người trở lại Mặt trăng trước.

Theo Daily Mail, tin tức mới nhất cho thấy năm 2037 có thể là thời điểm đưa con người lên sao Hỏa

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn