MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vải thiều Thanh Hà được bán tại siêu thị ở Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN

Đưa quan hệ Việt Nam - Pháp hướng đến tầm cao mới

Khánh Minh LDO | 03/11/2021 11:12

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 3-5.11 theo lời mời của Thủ tướng Jean Castex sẽ mở ra cơ hội và đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Mở rộng quan hệ thương mại - đầu tư

Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số xuất khẩu ấn tượng. Pháp là đối tác thương mại Châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italia). Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 4,81 tỉ USD, giảm 10% so với 5,3 tỉ USD năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trao đổi thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2021 đạt 2,81 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 3,29 tỉ USD (chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử) và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,52 tỉ USD (chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm). 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sâu hơn vào khu vực Châu Âu, trong đó có Pháp. Đặc biệt, quan hệ thương mại Việt Nam-Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp vẫn còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng. Để thúc đẩy việc đưa hàng Việt vào thị trường Pháp, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối của Pháp đã và đang liên tục được triển khai.

Về đầu tư, tính đến tháng 7.2021, Pháp đứng thứ 3 trong các nước Châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỉ. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa. Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.

Bên cạnh đó, Pháp là nhà tài trợ Châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại Châu Á. Đến nay, Pháp đã cung cấp cho Việt Nam ODA và vay ưu đãi tổng cộng khoảng 3 tỉ euro. Pháp hỗ trợ vốn vay ODA mỗi năm tối thiểu 200 triệu euro, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.

Pháp đánh giá cao vai trò tích cực, quan trọng của Việt Nam

VOV dẫn nhận định của Tướng hai sao Pháp Daniel Schaeffer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á và vấn đề Biển Đông, cho biết chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính mang ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên, phù hợp với định hướng phát triển quan hệ song phương. Theo ông Schaeffer, việc lựa chọn Paris là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam khẳng định Pháp là đối tác chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Về phần mình, Pháp cũng đánh giá cao vai trò tích cực, quan trọng của Việt Nam tại Đông Nam Á, khu vực ưu tiên hàng đầu của chính quyền của Tổng thống Macron trong chiến lược chuyển hướng sang Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trên thực tế, hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp ngày càng phát triển tích cực, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn quốc phòng, đối thoại an ninh, hỗ trợ xuất khẩu trang thiết bị khí tài, đào tạo sĩ quan, chiến hạm của Hải quân Pháp cập cảng Việt Nam. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước gần đây, hai bên nhất trí Việt Nam và Pháp là quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng. Năm 2018, hai nước ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028.

Các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước như giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, khoa học công nghệ, y tế, hợp tác chống đại dịch COVID-19, giao lưu nhân dân... cũng phát triển không ngừng. Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra những cơ hội mới, phù hợp với chủ trương và những thay đổi trong định hướng chiến lược của cả hai bên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ và 10 năm ký hiệp định đối tác chiến lược.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn