MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm kích MiG-29. Ảnh: Không quân Nga

Đức bật đèn xanh cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraina

Song Minh LDO | 14/04/2023 13:01
Bộ Quốc phòng Đức chấp thuận yêu cầu của Ba Lan về việc cung cấp 5 máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất cho Ukraina.

Theo RT, các máy bay chiến đấu này có nguồn gốc từ phi đội máy bay của Đông Đức và do đó, cần có sự chấp thuận tái xuất khẩu từ Berlin.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố, động thái này cho thấy “có thể tin tưởng” vào Berlin.

“Tôi hoan nghênh chính phủ liên bang đã cùng nhau đưa ra quyết định” - Bộ trưởng Pistorius nói.

Ba Lan là nước tích cực đề xuất cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraina để hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. 

Ukraina từ lâu đã đề nghị các nước phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại hơn, bao gồm cả máy bay chiến đấu, tuy nhiên, cho đến nay, Kiev mới chỉ nhận được máy bay chiến đấu cũ do Liên Xô sản xuất.

Tuần trước, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Warsaw sẵn sàng gửi tất cả máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraina “trong tương lai”. Tổng thống Duda đưa ra thông báo tại cuộc gặp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Warsaw kể từ khi bắt đầu chiến sự Nga - Ukraina.

Warsaw cam kết cung cấp hai lô máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraina. Theo ông Duda, 4 chiếc trong số đó đã đến Ukraina, 4 chiếc khác đang trong quá trình bàn giao, 6 chiếc khác đang được bảo dưỡng trước khi chuyển giao.

Tháng trước, một quốc gia Đông Âu khác là Slovakia tuyên bố sẽ chuyển giao toàn bộ số máy bay MiG-29 còn lại cho Kiev, trong đó có 10 chiếc có động cơ và 3 chiếc khác không có động cơ. Theo các quan chức địa phương, ít nhất 4 trong số các máy bay của Slovakia đã được chuyển giao cho Ukraina và bắt đầu trực chiến.

Về phần mình, Đức không công bố bất kỳ kế hoạch nào cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraina và cũng không cho thấy đã sẵn sàng làm như vậy. Berlin từng phản đối việc vận động hành lang của Ukraina để cung cấp xe tăng hiện đại, nhưng cuối cùng đã đảo ngược chính sách của mình vào đầu năm nay. Berlin đã cho phép bên thứ ba sử dụng xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất gửi đến Kiev, cũng như cam kết gửi xe này từ kho dự trữ của quân đội Đức. 

Ngoài ra, các đại gia vũ khí của Đức cũng cam kết cung cấp hàng chục xe tăng Leopard 2 và Leopard 1 cũ hơn cho Ukraina.

Nga từ lâu đã cảnh báo phương Tây về việc “bơm” vũ khí cho Ukraina, tuyên bố rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài tình trạng thù địch hơn là thay đổi kết quả xung đột. 

Hơn nữa, Nga tin rằng thị trường chợ đen vũ khí rộng lớn của Ukraina đặt ra mối đe dọa cho chính phương Tây, vì các hệ thống phòng không và chống tăng tinh vi do phương Tây cung cấp có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố và tội phạm khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn