MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đức ký thỏa thuận cung cấp khí đốt qua đường ống với Algeria. Ảnh: Shutterstock

Đức có nguồn cung mới qua đường ống dẫn khí, thay thế khí đốt Nga

Ngọc Vân LDO | 14/02/2024 16:41

Đức vừa ký thỏa thuận đầu tiên với công ty của Algeria để cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí cho nước này.

Đức sẽ nhận được khí đốt đầu tiên qua đường ống dẫn khí từ Algeria theo hợp đồng trung hạn được ký kết giữa một công ty con của công ty thương mại VNG AG và công ty dầu khí nhà nước Algeria Sonatrach - Reuters đưa tin.

Giám đốc điều hành Sonatrach - ông Rachid Hachichi - cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi rất vui mừng được tăng cường quan hệ đối tác kinh doanh năng lượng với châu Âu thông qua thỏa thuận mang tính bước ngoặt này với công ty VNG”.

Thỏa thuận nói trên đưa VNG trở thành công ty Đức đầu tiên mua khí đốt qua đường ống từ Algeria.

Thỏa thuận được thực hiện với VNG Handel & Vertrieb GmbH (VNG) có trụ sở tại Leipzig - một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của VNG AG.

VNG không cung cấp chi tiết về thời hạn hoặc giá trị của hợp đồng.

Đức buộc phải tìm kiếm nhà cung cấp khí đốt mới sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.2022, chấm dứt hàng thập kỷ phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga.

Sản lượng khí đốt của Algeria ở mức 106 tỉ mét khối mỗi năm, theo số liệu do Sonatrach công bố.

Trụ sở của công ty VNG ở Leipzig, Đức. Ảnh: vng.de

Chính phủ Đức đang hướng ra ngoài châu Âu để cung cấp hydro trong những năm tới và đã đồng ý thành lập một lực lượng đặc trách với Algeria nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu.

Trong khi tiến trình xây dựng đường ống dẫn khí hydro ở châu Âu nối các nhà máy điện phân của Tây Ban Nha với các trung tâm công nghiệp của Đức đang bị Paris trì hoãn, thì Berlin lại đang tìm đến các khu vực khác của đế chế Pháp cũ.

Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck tuyên bố: “Đức và Algeria đã duy trì mối quan hệ đối tác năng lượng chặt chẽ kể từ năm 2015. Hiện chúng tôi muốn mở rộng mối quan hệ này và khuyến khích Algeria sản xuất nhiều hydro xanh hơn trong tương lai”.

Đến năm 2030, Chính phủ Đức ước tính nhu cầu nhập khẩu hydro từ 45 đến 90 TWh hàng năm - có nghĩa là nhập khẩu có thể đóng một vai trò quan trọng hơn dự đoán.

Phần lớn khí đốt thân thiện với khí hậu có thể được vận chuyển thông qua mạng lưới đường ống dẫn khí được thiết lập để nối Tunisia, một quốc gia ở Bắc Phi, với lục địa châu Âu.

Giống như công ty khí đốt Snam của Italy, chủ sở hữu của đường ống hy vọng cuối cùng sẽ chuyển sang sử dụng hydro - dự án còn được gọi là SoutH2 hoặc “Hành lang Hydrogen phía Nam”. Đức và Italy đã hứa hỗ trợ chính trị cho dự án.

Trong khi đó, Algeria và Đức muốn thành lập một lực lượng đặc trách chung để đảm bảo cung cấp khí hydro. Về phần mình, Algeria hy vọng sẽ cung cấp 10% nhu cầu hydro của EU vào năm 2040.

Phó Thủ tướng Habeck cho hay: “Nhiệm vụ hiện nay là tạo ra các điều kiện kinh tế và kỹ thuật cần thiết cho việc cung cấp hydro giữa Algeria và châu Âu”.

Trong khi việc vận chuyển một phần hydro đến châu Âu - nơi khí đốt tự nhiên được “pha trộn” với hydro để tăng cường nhiên liệu xanh - vẫn còn xa vời, các công ty Đức đã bắt đầu ký kết các thỏa thuận với ngành năng lượng Algeria, mà ví dụ mới nhất là thỏa thuận giữa công ty VNG và Sonatrach nói trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn