MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm nổi Neptune xử lý LNG ở Lubmin, Đức, ngày 14.1.2023. Ảnh: AFP

Đức có thể vượt qua khủng hoảng năng lượng năm 2023?

Song Minh LDO | 29/01/2023 06:48
Đức cho đến nay đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ trong mùa đông này nhờ một số yếu tố.

Một số chính trị gia và nhà kinh tế Đức đang thở phào nhẹ nhõm về nỗi lo năng lượng. Nhiệt độ ôn hòa, nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng tăng lên và lượng dự trữ khí đốt trên mức trung bình cho đến nay đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn trong mùa đông này.

"Lượng dự trữ khí đốt tăng và giá khí đốt giảm. Tỉ lệ lạm phát đã hạ nhiệt và sự bất định về các chính sách kinh tế cũng vậy. Chúng ta đã có thể nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan hơn" - Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) cho biết.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế IFO có trụ sở chính ở München, Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu - có triển vọng tốt trong lĩnh vực kinh doanh sau khi những lo ngại suy thoái kinh tế tan biến.

Bloomberg dẫn lời ông Clemens Fuest, chủ tịch Viện IFO, nói, rủi ro đáng lo ngại nhất đối với nền kinh tế Đức là sự gián đoạn nguồn cung khí đốt, nhưng điều đó hiện không còn xảy ra nữa. 

Có khá nhiều tín hiệu tốt tại Châu Âu: Chỉ số giá khí đốt giao ngay tiêu chuẩn của Châu Âu (Dutch TTF NatGas) giảm tới 5% xuống còn 55 Euro/MWh, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021. Mức giá này đã giảm hơn 83% kể từ khi đạt mức kỉ lục 311 Euro/MWh vào tháng 8 năm 2022.

Tuy nhiên, các dấu hiệu tích cực có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì còn nhiều năm nữa Đức mới thay thế được hoàn toàn dòng khí đốt tự nhiên của Nga bằng các dòng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chia sẻ thêm, Đức đã có một bài học đắt giá khi chi một khoản tiền lớn cho khí đốt giá rẻ của Nga. Thủ tướng cho biết, quốc gia này đang sắp xếp lại các chuỗi cung ứng để tăng tỉ trọng nhập khẩu LNG tại các cảng lớn.  

Theo báo cáo từ Bộ Kinh tế Đức, nước này sẽ đạt công suất nhập khẩu LNG là 56 tỉ mét khối vào năm 2026. Đến năm 2030, sản lượng sẽ tăng lên 76.5 tỉ mét khối, chiếm khoảng 80% tổng tiêu thụ khí đốt của Đức trong năm 2021. 

Bộ Kinh tế Đức chỉ ra, hiện tại, lượng dự trữ khí đốt ở trên mức trung bình, nhưng sẽ luôn có những rủi ro rình rập vào cuối năm nay, khiến lượng dự trữ giảm xuống mức thấp và làm sự thiếu hụt bùng phát trở lại.   

Christian Leye, nghị sĩ Đảng cánh tả Hạ viện Đức, cho biết: "Sự thật là trong vòng 3 đến 4 năm tới, sản lượng sản xuất LNG trên thế giới sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng.

Vậy nên chiến lược bất thành văn là Đức sẽ tiếp tục mua với mức giá điên rồ và các nước có tăng trưởng kinh tế thấp hơn sẽ ra về với bàn tay trắng".

Đức giảm lệ thuộc vào khí đốt Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ các nước EU khác và tăng nhập khẩu khí đốt đường ống từ Na Uy và Hà Lan. Đức không còn lựa chọn nào khác sau vụ nổ làm đường ống dẫn khí Nord Stream bị hư hại vào tháng 9 năm ngoái.

Ngân hàng Đức dự đoán, giá khí đốt của EU sẽ dao động trong khoảng từ 50 đến 100 Euro/MWh trong năm nay. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi giá có thể tăng trở lại và cuộc khủng hoảng năng lượng lại tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn