MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tuabin gió giữa đảo Langeoog và Bensersiel tại bờ biển Biển Bắc ở Đức. Ảnh: Martin Meissner

Đức khởi động dự án mới để thay thế khí đốt Nga

Thanh Hà LDO | 30/08/2022 18:15
Đảo Năng lượng Bornholm có công suất 3 gigawatt. Theo chính phủ Đức và Đan Mạch, dự án sẽ cần khoản đầu tư 9 tỉ USD.

Một trung tâm điện gió ngoài khơi trị giá 9 tỉ euro (9 tỉ USD) được lên kế hoạch ở Biển Baltic sẽ đánh dấu bước quan trọng trong quá trình Châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, theo chính phủ Đức và Đan Mạch, Bloomberg đưa tin. 

Dự án được gọi là Đảo Năng lượng Bornholm sẽ liên kết một số công viên điện gió và phân phối năng lượng được sản xuất ra cho 2 quốc gia. Dự án có công suất hơn 3 gigawatt - đủ điện cho 4,1 triệu hộ gia đình - sau khi bắt đầu hoạt động vào năm 2030.

“Đây là lần đầu tiên ở Châu Âu có hai quốc gia hợp tác trong một dự án như vậy” - Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck chia sẻ.

Theo chính phủ Đan Mạch, dự án sẽ cần 3 tỉ euro (3 tỉ USD) đầu tư cho cơ sở hạ tầng và 6 tỉ euro (6 tỉ USD) cho công viên điện gió ngoài khơi.

Nhà điều hành mạng 50Hertz của Đức và đối tác Đan Mạch Energinet đảm nhận việc xây dựng trung tâm năng lượng cũng như kết nối với đất liền. Hai doanh nghiệp này sẽ chia sẻ cả chi phí và lợi nhuận của dự án. 

Sau khi dự án được hoàn thiện và đi vào hoạt động, các quốc gia Baltic khác và Ba Lan sẽ có cơ hội tham gia.

Cả Đức và Đan Mạch đều nhất trí rằng bất kỳ đối tác mới nào cũng cần được cả 2 bên chấp thuận. Đức đặc biệt lo ngại về tác động của việc định tuyến lại dòng năng lượng có thể xảy ra với hoạt động cung cấp điện. 

"Đảo năng lượng" sẽ chạy gần với những đường ống dẫn khí đốt của Nga vào Châu Âu, ông Habeck cho biết. “Nhưng bây giờ nó sẽ là năng lượng của chính chúng ta, không còn là khí đốt Nga nữa” - ông nói.

Ủy ban Châu Âu đặt mục tiêu tăng công suất điện gió ngoài khơi của Châu Âu từ mức 12 gigawatt hiện nay lên 300 gigawatt vào năm 2050.

AP cho hay, tuyến cáp dưới biển dài 470km sẽ chạy qua đảo Bornholm của Đan Mạch ở Biển Baltic đến miền bắc nước Đức, giúp truyền điện trực tiếp đến lưới điện của Đức và những nơi khác ở Châu Âu.

Hiện tại, Đan Mạch và Đức có công suất năng lượng gió ngoài khơi tương ứng là 1,5 gigawatt và 1 gigawatt. 

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck gọi Đảo Năng lượng Bornholm là “một dự án hàng đầu”. Theo ông, những dự án như vậy giúp Châu Âu cùng lúc đạt được 2 mục tiêu chính: An ninh năng lượng và trung hòa khí thải.

Bộ trưởng năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen cho rằng, “hợp tác quốc tế là cấp thiết hơn bao giờ hết” để giảm phát thải khí nhà kính hơn nữa và giúp Châu Âu không còn lệ thuộc vào khí đốt và dầu của Nga. 

Ngày 26.8, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết, các ước tính cho thấy, gió từ Biển Baltic có thể sản xuất "hơn 2 lần công suất lắp đặt của tất cả các nhà máy nhiệt điện than của Đức". Bà cho rằng, các quốc gia quanh Biển Baltic “cần giương buồm, hợp tác và lập lộ trình hướng tới việc giúp khu vực bền vững, linh hoạt và an toàn hơn”.

Theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức vẫn cam kết chấm dứt phát thải khí nhà kính vào năm 2045 - mốc sớm nhất so với bất kỳ quốc gia công nghiệp phát triển lớn nào. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ Đức sẽ đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than đã được cho hoạt động trở lại do xung đột Nga - Ukraina, chấm dứt nhập khẩu dầu và than của Nga trong năm nay và đặt mục tiêu ngừng sử dụng khí đốt Nga trong vòng 2 năm tới.

Thông báo ngày 29.8 của Đức và Đan Mạch được công bố một ngày trước cuộc họp tại Copenhagen để thảo luận về những cách thức giúp khu vực Biển Baltic không phụ thuộc năng lượng Nga đồng thời mở đường cho một quá trình chuyển đổi xanh đáng kể. Chủ tịch ủy ban điều hành Liên minh Châu Âu, tổng thống Litva, thủ tướng các nước Ba Lan, Latvia, Estonia, Phần Lan và Đan Mạch cùng một số bộ trưởng năng lượng sẽ tham dự cuộc họp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn