MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dực long kỷ Jura mang đặc điểm làm đảo lộn hiểu biết nhân loại về động vật

Hải Anh LDO | 14/04/2021 13:38

Các nhà khoa học công bố tìm thấy loài động vật sống cách đây 160 triệu năm ở hệ sinh thái rừng cổ ở Trung Quốc trong kỷ Jura.

Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch loài dực long thân nhỏ được đặt biệt danh "Monkeydactyl". Loài này được xem là bằng chứng lâu đời nhất được biết đến về loài sinh vật có opposed thumbs (tạm gọi là ngón cái đối diện) và dường như là loài thích nghi với cuộc sống trên cây.

Dực long hay Pterosaur hay thằn lằn có cánh là các bò sát biết bay trong nhánh hoặc bộ Pterosauria. Các nhà khoa học cho biết, dực long là những động vật có xương sống đầu tiên phát triển khả năng bay lượn bằng cách sử dụng cơ bắp để tạo ra lực khí động qua đó tạo ra lực nâng và lực đẩy.

Hóa thạch Monkeydactyl hay có tên gọi chính thức là Kunpengopterus antipollicatus được khai quật ở hệ tầng Tiaojishan của Liêu Ninh, Trung Quốc, tháng 2.2019.

Monkeydactyl được cho là sống từ 161 đến 158 triệu năm trước (kỷ Jura). Loài bò sát bay này có thân hình nhỏ, đuôi thon dài nguyên sơ và sải cánh ước tính 85cm.

Tái tạo cuộc sống của dực long Kunpengopterus antipollicatus trong rừng cổ sinh Tiaojishan. Ảnh: Đại học Birmingham.

Nhóm nghiên cứu quốc tế sử dụng phương pháp quét CT để phóng to các chi đồng thời xem xét các đặc điểm giải phẫu trên máy tính do hóa thạch có kích thước nhỏ.

Nghiên cứu chỉ ra, điểm đáng chú ý của sinh vật cổ đại này là sự hiện diện của các ngón cái đối diện ở 2 chi trước. Đây là đặc điểm chưa từng thấy ở dực long và dực long cũng chưa từng được biết tới là loài sống ở trên cây.

Phát hiện này được xem là sự hiện diện sớm kỷ lục về ngón cái đối diện trong lịch sử trái đất. Fion Waisum Ma, đồng tác giả nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Birmingham, Anh, cho biết: "Đây là một phát hiện thú vị, cung cấp bằng chứng sớm nhất về ngón cái đối lập thực sự và lại từ một con dực long vốn không được biết đến là loài có ngón cái đối diện".

Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Birmingham, lưu ý: "Phát hiện này có nghĩa là các ngón cái đối diện xuất hiện lần đầu tiên trên trái đất cách đây 160 triệu năm ở một loài bò sát biết bay".

Thông qua quét CT, các nhà khoa học cũng nghiên cứu hình thái học và hệ thống cơ bắp chi trước của Monkeydactyl, sau đó so sánh với các dực long khác cùng hệ sinh thái. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, chi trước của sinh vật cổ đại này có thể được sử dụng để cầm nắm, bám vào thân cây.

Các nhà khoa học tin rằng, đây là một trường hợp "phân vùng thích hợp" giữa những con dực long, trong đó Monkeydactyl phát triển ngón cái để điều hướng trên cây tốt hơn và tách biệt khỏi các sinh vật khác trong khu vực.

“Rừng cổ sinh Tiaojishan là nơi sinh sống của nhiều sinh vật, trong đó có 3 chi dực long Darwinopteran. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng chi K. antipollicatus đã xâm chiếm một phân vùng khác của chi Darwinopterus và Wukongopterus - điều có khả năng đã giảm thiểu sự cạnh tranh giữa những dực long này" - nhà nghiên cứu Xuanyu Zhou từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu về dực long Monkeydactyl được công bố trên tạp chí Current Biology.

Cnet lưu ý, hiện tại chúng ta đang quen với việc chỉ có con người cùng với một số loài linh trưởng khác có ngón cái đối diện. Tuy nhiên, phát hiện mới này là lời nhắc rằng chúng ta không phải động vật duy nhất có khả năng phát triển ngón tay cái thông minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn