MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở của đường ống dẫn khí Nord Stream ở vịnh Portovaya, Nga. Ảnh: Xinhua

Đức trả giá đắt vì các vụ nổ Nord Stream

Khánh Minh LDO | 27/03/2023 16:03
Nghị sĩ Đức cho rằng Berlin phải trả giá đắt vì các vụ nổ Nord Stream khiến nước này mất quyền tiếp cận khí đốt Nga.

Chính trị gia đảng Cánh tả Đức Andrej Hunko - thành viên của Hạ viện Đức - cho biết vụ phá hoại các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream đã biến sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga thành nghiện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Mỹ.

Đức đã phải trả giá đắt cho các vụ nổ năm ngoái trên các đường ống, vốn được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga - chính trị gia đảng Cánh tả Đức nói với tờ Hoàn cầu Thời báo. 

Ông Hunko lưu ý, vụ phá hoại đã khiến Berlin không có phương án nào để “lựa chọn loại khí đốt tốt hơn, rẻ hơn và loại khí nào tốt hơn về mặt sinh thái”.

“Trước đây, việc sử dụng khí đốt hay không là một quyết định được đưa ra dưới áp lực chính trị. Nhưng bây giờ không có cơ sở hạ tầng để sử dụng khí đốt và đây là tác động lớn nhất” - ông Hunko nói.

Đức từng nhập khẩu tới 40% nhu cầu khí đốt từ Nga. Năm ngoái, Berlin đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga bằng cách nhập khẩu LNG từ Mỹ, “đắt hơn nhiều và tồi tệ hơn từ quan điểm sinh thái” - theo ông Hunko.

Chính trị gia này cho rằng các vụ nổ là hành động của một “cuộc chiến tranh kinh tế” nhắm vào không chỉ nước Đức mà toàn bộ EU.

Đường ống Nord Stream 1 - chạy dưới biển Baltic và vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức - cùng với Nord Stream 2 mới được xây dựng nhưng chưa bao giờ được sử dụng, đã bị vỡ do bom dưới nước vào tháng 9 năm ngoái, khiến chúng không thể hoạt động.

“Ai được lợi từ việc này? Điều đó đã rõ ràng. Chủ yếu là các quốc gia xuất khẩu khí đốt sang Đức, chủ yếu là Mỹ” - nghị sĩ Hunko nói. Theo ông Hunko, điều này không chỉ có nghĩa là người dân Đức phải trả giá khí đốt cao hơn, mà còn là một vấn đề đối với ngành công nghiệp Đức.

Trước cuộc xung đột ở Ukraina, Đức đã gặp khó khăn về kinh tế do thiếu nhân sự có trình độ và năng suất giảm. Ông Hunko lưu ý, giá năng lượng tăng vọt kể từ đó đã giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế dựa trên giá năng lượng thấp và xuất khẩu.

Nghị sĩ đảng Cánh tả cảnh báo, chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao, dẫn đến hạn chế đầu tư, đang buộc một số doanh nghiệp lớn phải rời khỏi đất nước vì “các công ty lớn không còn hứng thú ở lại Đức nữa”.

Một số doanh nghiệp đã di cư sang Mỹ, cho thấy sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ, Đức và châu Âu - ông Hunko lập luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn