MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP

Đức tuyên bố ngăn cản Ukraina tấn công lãnh thổ Nga

Ngọc Vân LDO | 02/05/2023 16:05
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Đức không cho phép Ukraina tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà Berlin đã cung cấp cho Kiev.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh trong cuộc họp với người dân ở bang miền tây Rhineland-Palatinate hôm 1.5: “Điều quan trọng đối với chúng ta là vũ khí mà chúng ta cung cấp cho Ukraina để tự vệ không được sử dụng trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”. Ông nói thêm, Berlin dự định tuân thủ chính sách đó trong tương lai.

Mặc dù hỗ trợ vũ khí cho Kiev, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, Berlin cũng đang làm mọi cách để tránh leo thang có thể dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa NATO và Mátxcơva - ông Scholz nhấn mạnh.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius lập luận rằng, việc Ukraina thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga để "cắt các tuyến đường tiếp tế" và vì các lí do quân sự khác là "hoàn toàn bình thường". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, dân thường không nên bị nhắm là mục tiêu trong các cuộc tấn công đó. 

Bộ trưởng Pistorius cũng không nói gì về nguồn gốc của các loại vũ khí mà Kiev có thể sử dụng trong các chiến dịch như vậy.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 2 năm 2022, các tỉnh Bryansk, Belgorod và Kursk của Nga - tất cả đều giáp Ukraina - đã trở thành mục tiêu của nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của lực lượng Kiev. 

Các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và khu dân cư, dẫn đến một số thường dân thiệt mạng và nhiều người bị thương, đồng thời phá hủy tài sản.

Một trong những cuộc tấn công xuyên biên giới nguy hiểm nhất đã diễn ra ở tỉnh Bryansk hôm 30.4. Vụ pháo kích vào làng Suzemka từ một hệ thống phóng đa tên lửa khiến 4 thường dân thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Mátxcơva từ lâu đã cảnh báo việc Ukraina sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga là “lằn ranh đỏ”. Nga cũng lập luận rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraina thực chất là một "cuộc chiến ủy nhiệm" do NATO tiến hành chống lại nước này. 

Theo Mátxcơva, sự hỗ trợ mà Mỹ, Anh, Đức và các đồng minh cung cấp cho Kiev, bao gồm cung cấp vũ khí và đạn dược, huấn luyện quân đội Ukraina và chia sẻ thông tin tình báo, trên thực tế đã khiến các quốc gia này trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn