MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters.

Đức và Pháp rút khỏi đàm phán cải tổ WHO

Thanh Hà LDO | 08/08/2020 11:00
Pháp và Đức đã rút khỏi các cuộc đàm phán về cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì thất vọng trước những nỗ lực của Mỹ để dẫn đầu đàm phán, bất chấp nước này đã quyết định rời khỏi WHO.

Hồi tháng 7, Mỹ đã ra thông báo trước một năm rằng nước này sẽ rút khỏi khỏi WHO sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc quá gần gũi với Trung Quốc và xử lý sai đại dịch COVID-19. Các chính phủ Châu Âu cũng đã chỉ trích WHO nhưng không đi xa như Mỹ. 

Theo Reuters, quyết định rời đàm phán cải tổ WHO của Paris và Berlin diễn ra sau những căng thẳng liên quan theo các nước này cáo buộc là  nỗ lực của Washington nhằm chi phối đàm phán.

Các nước G7, do Mỹ đang là chủ tịch luân phiên, vốn hi vọng sẽ đưa ra lộ trình cải tổ sâu rộng với WHO vào tháng 9 tới, 2 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

“Không ai muốn bị lôi kéo vào một quá trình cải cách và nhận được đề cương cho quá trình này từ một quốc gia vừa rời khỏi WHO" - Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Châu Âu tham gia đàm phán.

Bộ Y tế Đức và Pháp xác nhận với Reuters, 2 nước phản đối việc Mỹ dẫn đầu cuộc đàm phán sau khi tuyên bố ý định rời tổ chức này.

Một phát ngôn viên của Bộ Y tế Italia cho hay, công việc liên quan tới tài liệu về cải cách WHO vẫn đang tiến hành. Phát ngôn viên nói thêm rằng, lập trường của Italia phù hợp với Đức và Pháp.

Khi được hỏi về lập trường của Pháp và Đức, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết: “Tất cả các thành viên G7 đều ủng hộ dứt khoát nội dung các ý tưởng cải cách WHO. Dù vậy, thật đáng tiếc là Đức và Pháp cuối cùng đã chọn không tham gia nhóm trong tán thành lộ trình" - nguồn tin nói.

Đàm phán về cải cách WHO bắt đầu khoảng 4 tháng trước. Gần 20 cuộc trao đổi qua điện thoại giữa các bộ trưởng y tế G7 và hàng chục cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao và các quan chức khác đã diễn ra. Một thỏa thuận của G7 sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tại G20 và Liên Hợp Quốc về vấn đề này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn