MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Hồ Bắc. Ảnh: EPA

Dùng huyết tương của bệnh nhân khỏi bệnh để điều trị COVID-19

Thanh Hà LDO | 17/02/2020 07:22

Có lượng lớn kháng thể được xác định trong huyết tương của một số bệnh nhân nhiễm chủng mới của COVID-19 đã hồi phục - hãng tin nhà nước Trung Quốc CGTN dẫn lời bác sĩ Zhang Dingyu - Giám đốc bệnh viện Kim Ngân Đàm (Jinyintan) Vũ Hán.

Cải thiện tình trạng bệnh trong vòng 12-24 giờ 

Thông tin trong cuộc họp báo hôm 13.2, bác sĩ Zhang Dingyu cho biết, các kết quả ban đầu đã cho thấy hiệu quả của truyền huyết tương trong điều trị cho một số bệnh nhân nhiễm COVID-19.

“Các kháng thể đã được xác định trong huyết tương của một số bệnh nhân có thể chống lại COVID-19” - bác sĩ Zhang Dingyu nói đồng thời bày tỏ hy vọng các bệnh nhân đã được chữa khỏi tới các bệnh viện để hiến huyết tương. 

Tập đoàn Y học Trung Quốc China National Biotec Group (CNBG) cũng thông tin hôm 13.2 rằng đã chuẩn bị thành công các sản phẩm huyết tương miễn dịch đặc biệt và sẽ sử dụng trong điều trị lâm sàng cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng. 

Được làm từ huyết tương do các bệnh nhân được chữa khỏi hiến tặng, những sản phẩm này đã được điều trị khử hoạt tính virus, phản ứng trung hòa kháng thể chống COVID-19 và nhiều mầm bệnh khác, CNBG giải thích. 

Cho đến nay, hơn 10 bệnh nhân đã tiếp nhận điều trị theo liệu pháp huyết tương miễn dịch đặc biệt mới và tình trạng của họ cải thiện đáng kể trong vòng 12-24 giờ sau khi điều trị. 

CNBG thông tin, hầu hết các bệnh nhân được chữa khỏi có thể tạo ra các kháng thể có thể tiêu diệt virus mới.

Hiện nay, trong bối cảnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, liệu pháp huyết tương có thể làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong của những bệnh nhân nặng.

Cũng theo hãng tin nhà nước Trung Quốc, tại Thượng Hải, có 6 bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19 đã đến hiến huyết tương để giúp điều trị cho các bệnh nhân khác. Sáu bệnh nhân không được nêu tên này nằm trong số 28 bệnh nhân xuất viện ở Thượng Hải hôm 13.2. 

Số liệu thông kê của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy, tỉ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân COVID-19 đang gia tăng. Ngày 13.2, Trung Quốc thông báo có 1.081 bệnh nhân mới được xuất viện, nâng tổng số ca hồi phục xuất viện tính tới 13.2 lên 6.723 ca.

Ca tử vong thứ 3 ngoài Trung Quốc đại lục

Trung Quốc công bố có 5.090 ca nhiễm COVID-19 mới và 121 ca tử vong trong ngày 13.2. Số liệu này nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đại lục lên 63.851 ca và số tử vong tới ngày 13.2 lên tới 1.380 ca. 

Reuters đưa tin ngày 14.2, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Tăng Ích Tân (Zeng Yixin) thông tin cùng ngày rằng, có 1.716 nhân viên y tế đã nhiễm COVID-19 và có 6 người trong số này đã tử vong. Ông Tăng Ích Tân nêu trong một cuộc họp báo về vấn đề bảo vệ nhân viên y tế rằng, số nhân viên y tế nhiễm bệnh đang tăng lên. Các quan chức Trung Quốc và các bệnh viện đã nhiều lần ghi nhận sự thiếu hụt các thiết bị bảo vệ, trong đó có cả khẩu trang khi dịch bệnh xảy ra ở Hồ Bắc và lây lan khắp cả nước. 

Liên quan tới diễn biến dịch bệnh, Nhật Bản đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan tới dịch COVID-19 hôm 13.2. Đây là ca tử vong thứ 3 xảy ra bên ngoài Trung Quốc đại lục, sau 2 ca ở Hong Kong (Trung Quốc) và Philipines. Tính tới 13.2, số ca nhiễm virus được xác nhận tại Nhật Bản đã lên tới 251 người, trong đó có tới 218 ca là hành khách và thủy thủ đoàn của tàu Diamond Princess. Nhật Bản cũng đã xác nhận có bác sĩ đầu tiên nhiễm virus ở tỉnh Wakayama - một bác sĩ phẫu thuật khoảng 50 tuổi.  

Trong nỗ lực chống dịch bệnh, Thủ tướng Abe Shinzo thông báo, chính phủ Nhật Bản sẽ chi 15,3 tỉ yên (140 triệu USD) cho các biện pháp khẩn cấp như phát triển bộ thử nhanh. Nhật Bản cũng sẽ đảm bảo cung cấp 600 triệu khẩu trang trong 1 tháng.

Trong các diễn biến đáng chú ý khác, tại Campuchia, hơn 2.000 hành khách và thủy thủ đoàn tàu MS Westerdam đã được xuống tàu sau khi 20 hành khách được xét nghiệm cho kết quả khẳng định không nhiễm virus. Trước đó, tàu MS Westerdam đã bị 5 quốc gia và vùng lãnh thổ từ chối cho cập cảng do lo ngại dịch COVID-19. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn