MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống TurkStream vận chuyển 33 tỉ mét khối khí đốt từ Nga đến EU mỗi năm. Ảnh: AFP

Đường ống dẫn khí đốt cuối cùng của Nga đến EU lâm nguy

Ngọc Vân LDO | 30/09/2022 06:45
TurkStream - đường ống dẫn khí đốt cuối cùng còn lại từ Nga đến EU qua Biển Đen - đang gặp nguy.

Nếu TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) bị hỏng, nhà điều hành đường ống sẽ không thể khắc phục thiệt hại vì chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép quan trọng do các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga - RT cho biết hôm 29.9.

Ông Oleg Aksyutin - giám đốc điều hành của South Stream Transport BV, đơn vị vận hành TurkStream - đã gửi thư thông báo cho các nhà quản lý của công ty ngừng mọi công việc và hủy hợp đồng với các nhà cung cấp phương Tây. Bức thư được gửi ngày 14.9 nói rằng Hà Lan - nơi công ty đăng ký - đã hủy bỏ giấy phép hoạt động, có hiệu lực từ ngày 17.9.

Đường ống TurkStream hoàn thành vào năm 2020, chạy dưới Biển Đen từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đến Serbia và Hungary. TurkStream có công suất hàng năm là 33 tỉ mét khối khí đốt. Theo Reuters, hôm 29.9, SouthStream xác nhận rằng giấy phép đã bị thu hồi, nhưng cho biết đã yêu cầu nối lại và “sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải), Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) dự lễ khai trương Dự án Turkstream tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8.1.2020. Ảnh: Kremlin

Việc đình chỉ giấy phép ảnh hưởng đến tất cả các hợp đồng liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật của đường ống dẫn khí, bao gồm thiết kế, sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm, sửa chữa, bảo trì và đào tạo.

Mặc dù không có báo cáo nào về sự gián đoạn nguồn cung cấp TurkStream, song báo giới lưu ý, phần lớn đường ống nằm ở độ sâu 3km và cần được theo dõi liên tục về thiệt hại do “hoạt động địa chấn”.

Tiết lộ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cả hai đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dưới biển Baltic bị vô hiệu hóa trong một loạt vụ nổ, làm thoát hàng triệu mét khối khí ra biển. Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả các vụ nổ là "hành động khủng bố quốc tế" và Mátxcơva dự định đưa vụ việc ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngày 29.9, NATO cho biết các đường ống bị hư hại theo cách có vẻ là "hành động phá hoại có chủ ý, liều lĩnh và vô trách nhiệm", hứa sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào vào cơ sở hạ tầng quan trọng này “bằng phản ứng thống nhất và kiên quyết”.

Mỹ phủ nhận bất cứ điều gì liên quan đến các vụ nổ ở Biển Baltic. Mỹ từ lâu đã cố gắng ngăn chặn Nord Stream và tìm cách gây khó dễ cho TurkStream.

Sơ đồ đường ống dẫn khí TurkStream từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu. Ảnh: Euronews

Bình luận về nghi án phá hoại Nord Stream, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng điều đó sẽ không có lợi cho ai, nhưng đây là cơ hội rất quan trọng để EU rốt cuộc có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

TurkStream là đường ống cuối cùng còn lại để khí đốt tự nhiên của Nga đến được EU. Đường ống Yamal - Châu Âu qua Ba Lan đã bị ngừng hoạt động vào tháng 5 do các lệnh trừng phạt đáp trả của Mátxcơva đối với Warsaw, trong khi Gazprom ngừng giao hàng qua Ukraina vào ngày 27.9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn