MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực có đường ống dẫn khí Balticconnector chạy qua. Ảnh: EC

Đường ống dẫn khí liên tiếp vỡ, hàng chục nước củng cố quân sự ở Baltic

Thanh Hà LDO | 03/12/2023 14:56

Tình hình an ninh được nhìn nhận là rất nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc cần triển khai nhiều khí tài quân sự hơn ở vùng biển phía đông châu Âu.

Mười quốc gia Bắc Âu thành lập Lực lượng viễn chinh chung (JEF) và đã quyết định kích hoạt “điều khoản phòng thủ” cho phép triển khai thêm khí tài quân sự để bảo vệ cơ sở hạ tầng ở Biển Baltic, Euronews đưa tin.

Động thái này được đưa ra sau một số sự cố đường ống dẫn khí đốt và đứt cáp quang ở Biển Baltic.

Trong thông cáo chung, Bộ trưởng Quốc phòng của 10 quốc gia cho biết thêm, lực lượng hàng hải và không quân sẽ được triển khai ở trung tâm Biển Baltic để hỗ trợ "bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước".

“Đây là lần đầu tiên một điều khoản bảo vệ được JEF kích hoạt” - thông cáo nêu rõ.

Theo thông cáo, các hoạt động của lực lượng này sẽ bắt đầu ngay trong đầu tháng 12.

Vị trí đường ống Nord Stream bị vỡ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

Tập trung vào hoạt động phòng thủ ở Bắc Âu, JEF là liên minh gồm 10 quốc gia do Vương quốc Anh lãnh đạo.

Liên minh bao gồm Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển.

Chia sẻ trên đài SVT, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tiết lộ: “Khoảng 20 tàu chiến sẽ được triển khai ở Biển Baltic cũng như ở các khu vực bắc Đại Tây Dương để đảm bảo tình hình an ninh và bảo vệ tốt hơn cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước”.

Ông nhấn mạnh, việc tăng cường lực lượng quân sự là cần thiết để ứng phó với tình hình an ninh rất nghiêm trọng trên thế giới và đặc biệt là ở khu vực lân cận của các nước trong liên minh.

“Chúng tôi phải có năng lực thực hiện loại hoạt động này để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của mình, đồng thời gửi tín hiệu tới Nga" - Bộ trưởng Jonson nói.

Vào tháng 10, các nước JEF đã đồng ý tăng cường an ninh ở Biển Baltic sau khi đường ống dẫn khí Balticconnector bị hư hại.

Vụ đường ống dẫn khí nối Phần Lan - Estonia cùng các tuyến cáp quang gần đó bị đứt làm dấy lên những đồn đoán, lo ngại.

Trước đó, cuối năm 2022, các đường ống dẫn khí Nord Stream vận chuyển khí đốt của Nga đến Tây Âu qua Biển Baltic đã bị vỡ. Cho tới nay, thủ phạm cho nổ đường ống Nord Stream vẫn chưa được tìm ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn